Thế giới

Cộng đồng người Việt tại Romania đồng lòng, đoàn kết như một nhà

ClockThứ Năm, 10/03/2022 14:53
Những ngày qua, khi rất nhiều bà con phải sơ tán từ Ukraine, cộng đồng người Việt tại Romania đã dành nỗ lực cao nhất để thực hiện "chiến dịch" hỗ trợ bà con sơ tán, cả về tinh thần lẫn vật chất.

Liên Hiệp quốc ước tính 4 triệu người sẽ sơ tán khỏi UkraineHàng trăm người Việt từ Ukraine sơ tán an toàn sang Romania

Người Việt sơ tán từ Ukraine tại một điểm tạm trú chờ máy bay về nước, ở thủ đô Bucharest (Romania). (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Càng trong khó khăn hoạn nạn, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam càng được phát huy. Một trong những minh chứng rõ nét cho điều này chính là những hành động ấm áp tình đồng bào của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại Romania.

Cộng đồng người Việt tại Romania hình thành từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ban đầu chủ yếu là những sinh viên, người lao động Việt Nam sang học tập, lao động và định cư lâu dài ở nước bạn.

Tháng 12/1994, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Bucharest, những người Việt sinh sống tại đây đã tập hợp lại và lập ra Hội Người Việt Nam tại Romania, với mục đích tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống; tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Khi mới thành lập, hội chỉ có 15 thành viên. Từ sau khi thành lập, hội đã hoạt động tích cực, năng động, sáng tạo và không ngừng phát triển, dần trở thành một diễn đàn và sân chơi bổ ích, nơi sinh hoạt cộng đồng chung cho tất cả bà con người Việt tại Romania.

Bên cạnh Hội Người Việt, trong cộng đồng còn có một số hội đoàn khác như Hội Doanh nghiệp, Câu lạc bộ Phụ nữ, Hội đồng hương Thanh Hóa... Hiện tại, cộng đồng người Việt sinh sống chủ yếu tại thủ đô Bucharest và một số vùng lân cận; tuyệt đại đa số đều có giấy tờ cư trú hợp pháp, lâu dài.

Nghề nghiệp chính của bà con cộng đồng là buôn bán tại các chợ, trung tâm thương mại, trong đó tập trung đông nhất tại chuỗi trung tâm thương mại Dragonul Rosu ở thủ đô Bucharest. Đa phần bà con đều có cuộc sống và kinh tế gia đình ổn định, trong đó có nhiều người thành đạt.

Mặc dù số lượng cộng đồng người Việt tại Romania không lớn, hiện chỉ có chưa tới 1.000 người, nhưng bà con trong cộng đồng luôn đoàn kết, gắn bó, sống nhân ái, hòa thuận, tích cực hỗ trợ nhau trong cuộc sống và luôn hướng về quê hương, đất nước.

Bên cạnh đó, bà con người Việt luôn tôn trọng luật pháp, văn hóa nước sở tại, làm ăn chính đáng theo đúng quy định của pháp luật.

Cho tới nay, cộng đồng người Việt đã hội nhập tương đối sâu vào đời sống xã hội Romania, đồng thời có đóng góp không nhỏ cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc Việt Nam và Romania.

Anh Bùi Doãn Hải, Phó Chủ tịch Hội Người Việt tại Romania, cho biết cộng đồng người Việt tại Romania có truyền thống đoàn kết, gắn bó; có tinh thần tương thân tương ái rất cao. Các thành viên trong cộng đồng đều sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với nhau trong cuộc sống, đặc biệt là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Trong những ngày qua, khi rất nhiều bà con người Việt phải sơ tán từ Ukraine sang Romania, hưởng ứng lời kêu gọi của Đại sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt Nam tại Romania cũng như xuất phát từ tinh thần đoàn kết, tấm lòng nhân văn cao cả, cộng đồng đã dành nỗ lực cao nhất để thực hiện "chiến dịch" hỗ trợ bà con sơ tán, cả về tinh thần lẫn vật chất.

Anh Hải cho biết các thành viên trong cộng đồng không quản ngày đêm và những bận rộn trong cuộc sống mưu sinh, sẵn sàng túc trực thường xuyên tại các nhà ga, bến tàu để tiếp đón, hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào sơ tán tìm nơi tạm trú và di chuyển về nơi tạm trú; chuẩn bị nhiều vật dụng sinh hoạt như chăn, đệm, đồ dùng cá nhân cho bà con; hỗ trợ lương thực, thực phẩm để bà con vượt qua khó khăn.

Theo anh Hải, những nghĩa cử cao đẹp đó của cộng đồng đã thể hiện truyền thống cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam ta.

Cùng quan điểm với anh Hải, anh Lê Văn Tuấn, kiều bào đang sinh sống tại thủ đô Bucarest cho biết đoàn kết, gắn bó, sống nghĩa tình là một "thương hiệu" của cộng đồng người Việt tại Romania. Chiến dịch hỗ trợ đồng bào người Việt từ Ukraine là minh chứng rõ ràng cho điều này.

Nhiều người sẵn sàng gác lại công việc cá nhân để dành thời gian và sức lực hỗ trợ đồng bào từ Ukraine. Những người khác tích cực quyên góp tiền bạc cũng như lương thực, thực phẩm để giúp đỡ bà con trong lúc khó khăn. Bản thân anh Tuấn cũng đã tiếp nhận 11 bà con về tạm trú tại nhà riêng của mình.

Chị Phạm Hồng Duyên, thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ tại Romania, cho biết cũng như bao kiều bào khác tại Romania, chị và gia đình đã không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng làm mọi điều có thể để hỗ trợ đồng bào trong lúc hoạn nạn. Điều này hoàn toàn xuất phát từ tình cảm của một người con đất Việt với đồng bào của mình.

Bên cạnh hoạt động thiện nguyện giúp đỡ đồng bào, Hội Người Việt và các hội đoàn, câu lạc bộ trong cộng đồng thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa như dạy tiếng Việt cho con em người Việt thế hệ thứ hai tại địa bàn; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao để nâng cao sự đoàn kết, gắn bó và tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các thành viên trong cộng đồng.

Mới đây nhất, Câu lạc bộ Phụ nữ vừa tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho chị em trong cộng đồng và tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp của những hậu duệ Bà Trưng, Bà Triệu trên đất Romania hỗ trợ đồng bào từ Ukraine./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01%

Đây là mục tiêu được nêu ra tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2024, phương hướng hoạt động năm 2025 do Sở Y tế tổ chức chiều 17/12. Tham dự có đại diện các đơn vị y tế, các cơ quan ban ngành.

Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,01
Hợp tác quốc tế vì sức khỏe cộng đồng

Ngày 6/12, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tổ chức khai mạc hội nghị Festival khoa học Huế lần thứ 7 với chủ đề “Hợp tác quốc tế vì sức khoẻ cộng đồng” và Hội nghị Y Sinh học Quốc tế lần thứ nhất, khánh thành Viện Y Sinh học, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế.

Hợp tác quốc tế vì sức khỏe cộng đồng
Hỗ trợ cộng đồng tiếp cận công nghệ số

Trong thời kỳ công nghệ số, thanh niên đóng vai trò chủ chốt trong tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số. Đây là lực lượng để kết nối và hỗ trợ cộng đồng trong việc ứng dụng công nghệ, giúp giảm khoảng cách số và nâng cao chất lượng dịch vụ công trên địa bàn.

Hỗ trợ cộng đồng tiếp cận công nghệ số
Châu Á - Thái Bình Dương: Đảm bảo tương lai an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa đối với tăng trưởng, cơ sở hạ tầng và sinh kế ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khu vực này có thể cải thiện khả năng bảo vệ tài chính trước các rủi ro khí hậu nghiêm trọng và hỗ trợ phát triển bền vững bằng cách giải quyết các khoảng cách về khả năng chi trả bảo hiểm, khả năng tiếp cận và nhận thức.

Châu Á - Thái Bình Dương Đảm bảo tương lai an toàn cho các cộng đồng dễ bị tổn thương
Return to top