Người dân trên đường phố tại La Habana (Cuba), tháng 7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Hướng tới mục tiêu tự chủ về lương thực và bảo đảm an ninh dinh dưỡng - dự luật về nhiệm vụ này đã được trình bày tại Quốc hội Cuba và được khẳng định là văn bản mang tính tiên phong trong việc khẳng định quyền dinh dưỡng của người dân, thực hiện nội dung của Hiến pháp 2019.
Bà Mayra Cruz Legón, Vụ trưởng Pháp lý thuộc Bộ Nông nghiệp Cuba, cho biết dự thảo Luật về Chủ quyền lương thực và An ninh Lương thực và Dinh dưỡng bao gồm 9 đề mục, 24 chương và 101 điều và hướng tới việc thắt chặt các mối quan hệ tương tác pháp lý giữa tất cả các mắt xích trong dây chuyền lương thực của Cuba, từ nhà sản xuất tới người tiêu thụ.
Đáng chú ý, dự luật này đưa ra đảm bảo để các hệ thống sản xuất lương thực địa phương có thể trở thành các đơn vị tự chủ, đồng thời, nếu được thông qua, đây sẽ là văn bản pháp lý đầu tiên của Cuba đề xuất các chiến lược nhằm ngăn chặn và giảm thiểu những tổn thất lương thực.
Bà Cruz Legón cũng cho biết việc biên soạn dự luật này bao gồm tham khảo kinh nghiệm quốc tế, qua Dự án Củng cố các chính sách an ninh lương thực bền vững tại Cuba, cũng như có sự tham gia của các tổ chức thuộc xã hội dân sự.
Nhà nước Cuba đã nhiều lần khẳng định việc đẩy mạnh sản xuất tiến tới tự chủ về lương thực là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh đất nước nông nghiệp này vẫn phải nhập khẩu tới 60% lượng thực phẩm tiêu thụ trong nước.
Tháng 6/2020, Cuba đã thông qua Kế hoạch Chủ quyền lương thực và Giáo dục dinh dưỡng, một trong những tiền đề của dự luật vừa được trình bày.
Mới đây, chính phủ Cuba cũng công bố mục tiêu nâng sản lượng của ngành thực phẩm lên mức 1,648 triệu tấn trong năm nay, tăng 350.000 tấn so với năm 2021, đồng thời nhấn mạnh hai biện pháp chủ chốt để đạt được mục tiêu này là làm hợp đồng trực tiếp với người sản xuất và củng cố thị trường bán sỉ trong nước.
Theo Vietnam+