Thế giới

Cuộc sống bên trong ở thành phố ô nhiễm nhất thế giới

ClockThứ Bảy, 23/11/2024 12:50
Bên trong phòng khám đầu tiên chuyên điều trị các bệnh do ô nhiễm tại Delhi, ông Deepak Rajak đang chật vật để thở.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở MỹCOP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậuKhông khí ô nhiễm nặng, Ấn Độ phạt các công trường, chủ xe gây ô nhiễm

Buổi sáng mùa Đông mù mịt giữa tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ngày 19/11 tại Greater Noida, ngoại ô Delhi. Ảnh: Hindustan Times/Getty Images 

Bệnh hen suyễn của bệnh nhân 64 tuổi này đã trở nên tồi tệ hơn trong những ngày gần đây. Cô Kajal Rajak, con gái ông Rajak, đã vội vã đưa bố đến phòng khám vì lo lắng về tình trạng sức khỏe đang xấu đi nhanh chóng của ông.

Ngồi trong phòng chờ, Rajak nói rằng ông cảm thấy rất khó thở và không ngừng ho. 

“Tôi không thở được. Tôi vừa đến đây bằng xe buýt và tôi cảm thấy như mình đang ngạt thở”, ông nói.

Phòng khám chuyên khoa tại Bệnh viện Ram Manohar Lohiya của thủ đô Delhi được thành lập vào năm ngoái, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho số lượng bệnh nhân ngày càng tăng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn vào mỗi mùa Đông ở thủ đô của Ấn Độ.

Bên ngoài, một lớp sương mù độc hại đã bao phủ thành phố kể từ cuối tháng trước, biến ngày thành đêm, làm gián đoạn các chuyến bay, che khuất tầm nhìn của các tòa nhà và gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng triệu người. Nhiều người dân chia sẻ cảm giác cổ họng như đang bị thiêu đốt.

Ông Deepak Rajak tại  phòng khám điều trị các bệnh do ô nhiễm ở New Delhi. Ảnh: CNN 

Theo các thiết bị giám sát chất lượng không khí toàn cầu, tính đến tuần trước, không nơi nào khác trên hành tinh này có không khí nguy hiểm đến sức khỏe con người như Delhi.

Tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức ông Atishi, Bộ trưởng của Delhi, đã ban bố “tình trạng khẩn cấp về y tế” khi chính quyền đóng cửa trường học và kêu gọi người dân ở trong nhà.

Nhưng đó không phải là lựa chọn của ông Rajak, người phụ thuộc vào công việc giặt khô để nuôi sống gia đình.

“Tôi phải ra khỏi nhà để đi làm. Nếu tôi không kiếm được tiền, tôi sẽ ăn gì? Nhưng khi ra ngoài, cổ họng tôi bị tắc hoàn toàn. Đến tối, tôi cảm thấy như mình đã chết”, ông nói.

Ông Rajak đã từng phải nhập viện một lần trong năm nay vì khói bụi làm bệnh hen suyễn của ông trầm trọng hơn. Không thấy dấu hiệu thuyên giảm do ô nhiễm nguy hiểm, con gái ông lo sợ ông sẽ phải nhập viện trở lại - một gánh nặng tài chính khi họ đang phải vật lộn để trả tiền mua máy xông khí dung và các xét nghiệm chẩn đoán đắt tiền.

“Ngay cả việc đưa bố tôi đến phòng khám cũng rất nguy hiểm. Bạn không thể nhìn thấy những gì ở phía trước. Khi ở bến xe buýt, chúng tôi thậm chí không thể nhìn thấy số xe hoặc thậm chí không biết có xe buýt nào đang đến không. Trời mù mịt như vậy đấy”, cô Kajal nói.

Sương mù dày đặc vào sáng sớm bao phủ Delhi hôm 19/11. Ảnh: Hindustan Times/Getty Images 

Theo IQAir, vào tuần này, một số khu vực của Delhi ghi nhận mức độ ô nhiễm vượt 1.750 theo thang đo Chỉ số chất lượng không khí. Trong khi mức độ trên 300 được coi là nguy hiểm cho sức khỏe.

Hôm 20/11, chỉ số ô nhiễm đã đạt mức nguy hiểm nhất. Trong khi nồng độ bụi mịn PM2.5 cao hơn 77 lần so với mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra. Khi hít vào, PM2.5 di chuyển sâu vào mô phổi, có thể xâm nhập vào máu và gây bệnh hen suyễn, bệnh tim, phổi, ung thư và các bệnh về đường hô hấp khác, cũng như làm suy giảm nhận thức ở trẻ em.

Nhiều người dân Delhi nói rằng họ gặp khó khăn khi thở vì ô nhiễm. Một số người mô tả họ cảm giác ngạt thở, mắt cay xè và cổ họng ngứa rát vì không khí độc hại.

“Tôi cảm thấy mắt cay xè”, Ông Mohammad Ibrahim, lái xe lâu năm ở thành phố Delhi cho biết. Ông đồng thời nói thêm rằng ông liên tục bị đau ngực vì phải làm việc ngoài trời trong tình trạng ô nhiễm cả ngày. “Khi tôi về nhà vào buổi tối, rửa mặt và chân tay, có thứ gì đó màu đen chảy ra từ mũi tôi. Tôi chưa từng gặp tình trạng này trước đây”, Ibrahim cho biết.

Giống như ông Rajak, ông Ibrahim không thể ngừng làm việc, mặc dù sức khỏe của ông đang gặp nguy hiểm.

“Nếu tôi không ra ngoài làm việc, tôi sẽ ăn bằng gì? Tôi sẽ trả tiền thuê nhà bằng cách nào? Tôi là một người nghèo”, ông nói.

Ô nhiễm không khí tại Greater Noida, Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times/Getty Images 

Một số cư dân dễ bị tổn thương cho biết việc sinh tồn ở Delhi đã trở nên khó khăn. Cựu quân nhân Không quân Ấn Độ Aditya Kumar Shukla, 64 tuổi, cho biết ông cố gắng không ra ngoài vào những ngày ô nhiễm.

“Bạn không thể làm gì để tự cứu mình khỏi ô nhiễm, ngay cả khi bạn ở trong nhà, ô nhiễm cũng sẽ len lỏi vào bên trong vì không khí rất bẩn”, ông Shukla chia sẻ từ bệnh viện Batra ở Delhi, nơi ông đang được điều trị bệnh hen suyễn.

Shukla cho biết ông đã phải nhập viện 3 lần trong năm nay và sẽ chuyển khỏi thành phố này nếu có thể.

“Ô nhiễm gây căng thẳng và rất nguy hiểm. Nhưng ở giai đoạn này, tôi có thể đi đâu? Tôi muốn rời khỏi Delhi nhưng không có cơ sở nào chuyên điều trị cho những người mắc bệnh hen suyễn và bệnh phổi ở Ấn Độ”, ông nói.

Tại phòng khám điều trị các bệnh do ô nhiễm, Tiến sĩ Amit Jindal cho biết ông và các đồng nghiệp đã chứng kiến tình trạng gia tăng đáng kể số bệnh nhân mắc các vấn đề về ngực và phổi kể từ khi mức độ ô nhiễm tăng vọt. Ông xác nhận sự gia tăng này có liên quan trực tiếp đến khói bụi.

Khói bụi mù mịt tại Greater Noida, Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times/Getty Images 

Nhiều bệnh nhân bị ho dai dẳng, gặp các vấn đề về ngực, phổi và mắt. Những người có vấn đề sức khỏe hiện tại như Rajak và Shukla, hoặc những người làm việc ngoài trời, dễ bị tổn thương hơn.

Tiến sĩ Gaurav Jain, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Batra, cho biết ngay cả những người không hút thuốc cũng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) – tình trạng phổi hạn chế luồng không khí và gây ra các vấn đề về hô hấp.

“Nhiều bệnh nhân hít phải chất gây ô nhiễm mãn tính, những người làm việc gần khu vực bụi bặm, họ mắc bệnh COPD. Phổi của họ không khỏe. Họ bị khó thở ở độ tuổi khá sớm so với người dân bình thường và có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn”, bác sĩ Jain giải thích.

Delhi đã phải vật lộn với mức độ ô nhiễm không khí cao trong hơn hai thập kỷ. Chất lượng không khí ngày càng tệ hơn mỗi năm. Vào những ngày không có gió, khói bụi từ các hoạt động đốt chất thải nông nghiệp, các nhà máy điện chạy bằng than và các phương tiện giao thông lan rộng khắp thành phố.

Cơ quan ô nhiễm của Ấn Độ cho biết một số khu vực của Delhi có chất lượng không khí “cực kỳ nghiêm trọng”. Giới chức đang nỗ lực đưa ra các giải pháp giảm bớt khói bụi, thực hiện các biện pháp khẩn cấp bao gồm dừng hoạt động của phương tiện và công trình xây dựng không cần thiết.

Giới chức cũng đang phun nước và chất chống bụi lên đường, đồng thời tăng cường quét đường phố.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết những nỗ lực này chỉ là những biện pháp tạm thời, không giải quyết được nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm không khí.

“Hành động thực tế nhằm giảm phát thải nguồn vẫn còn rất hạn chế. Cường độ phản ứng của chính phủ nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm nguy hiểm này không tương xứng với cường độ của tình trạng khẩn cấp mà chúng ta đang phải đối mặt”, nhà phân tích môi trường Sunil Dahiya cho biết.

Năm 2019, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra Chương trình Không khí Sạch Quốc gia để cải thiện chất lượng không khí xung quanh ở các thành phố. Một số ủy ban khác đã được thành lập ở cả cấp quốc gia và cấp tiểu bang để giải quyết ô nhiễm không khí.

Nhưng các nhà phân tích cho biết các chính phủ đang tập trung nhiều hơn vào việc ứng phó khẩn cấp thay vì nỗ lực dài hạn để cải thiện chất lượng không khí. Trong khi đó, hoạt động đốt rơm rạ trong vụ thu hoạch mùa đông cũng đang làm trầm trọng thêm mức độ ô nhiễm.

“Chúng ta cần thực hiện các hành động có hệ thống và toàn diện để giảm ô nhiễm tại nguồn - lượng khí thải từ ngành giao thông, ngành điện, ngành công nghiệp, chất thải và bất kỳ khu vực địa lý nào”, ông Dahiya cho biết.

Tại phòng khám các bệnh do ô nhiễm không khí, cô Rajak đang lo lắng về tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi của bố cô khiến ông phải vật lộn để thở và đi lại. Cô hy vọng chính phủ sẽ hành động quyết liệt hơn.

Theo baotintuc.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Kế hoạch về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các sở, ngành cấp tỉnh; trong đó yêu cầu đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ) khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Tinh gọn bộ máy thành phố trực thuộc Trung ương
Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sau hành trình gần 30 năm; trong đó 5 năm quyết liệt triển khai Nghị quyết (NQ) số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Thông tin doanh nghiệp:
CaraWorld – Một điểm đến trọn thế giới!

CaraWorld Land ghi dấu ấn tượng trên các chuyên trang quốc tế về 1 ốc đảo nghỉ dưỡng tại gia riêng tư đẳng cấp 5* trên vịnh Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa.

CaraWorld – Một điểm đến trọn thế giới
Return to top