Cháy rừng tại quận Plumas, tiểu bang California, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo ông Warren Fernandez, những cơn bão lớn hiện đang trở nên thường xuyên hơn ở Singapore. Tháng 8 vừa qua, hình ảnh và video về các quận ở trung tâm Singapore trong tình trạng ngập lụt một lần nữa làm “nóng” các mặt báo. Một bộ trưởng của quốc gia này cảnh báo, khi lượng mưa lớn đang trở nên phổ biến hơn cùng với tình trạng ấm lên toàn cầu, mọi người có thể sẽ phải quen với lũ quét theo thời gian. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ước tính, quốc gia này có thể cần hơn 100 tỷ USD trong những thập kỷ tới để đối phó với các đợt triều cường do tình trạng nước biển ấm lên và băng tan chảy gây ra.
Quy mô toàn cầu
Điều đáng chú ý là tình trạng nói trên không chỉ xảy ra ở Singapore. Vào đầu tháng 9 này, thành phố New York (Mỹ) đã ban bố “tình trạng khẩn cấp về lũ quét”, sau khi hứng chịu lượng mưa kỷ lục sau siêu bão Ida. Tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) hồi tháng 8, lượng mưa xảy ra trong 3 ngày bằng lượng mưa của cả năm, khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Lũ lụt nghiêm trọng ở Đức và Bỉ; hạn hán ở Brazil; sóng nhiệt ở Ấn Độ, Australia và Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ; cháy rừng ở California và Canada, cũng như trên khắp các vùng Địa Trung Hải và Amazon. Những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy đã và đang xảy ra trên khắp hành tinh trong năm nay.
Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Hoesung Lee cho hay: “Không thể chối cãi rằng, các hoạt động của con người đang gây ra biến đổi khí hậu và làm cho thời tiết cực đoan trở nên thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi khu vực trên hành tinh”. Trong một động thái liên quan trước đó vào tháng 8, LHQ đã công bố một báo cáo, được xem là một cảnh báo “Mã Đỏ” đối với nhân loại, và là một lời kêu gọi hành động khẩn cấp.
Vai trò quan trọng của các tòa soạn chuyên nghiệp
Ông Hoesung Lee lưu ý thêm, đại dịch COVID-19 là một dự báo trước về những gì mà biến đổi khí hậu có thể gây ra đối với xã hội, thiên nhiên và cuộc sống của chúng ta. Cả biến đổi khí hậu và COVID-19 đều cho chúng ta thấy những rủi ro của một cách tiếp cận thiếu thận trọng đối với thiên nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đáng tiếc thay, trong khi các nhà khoa học trên thế giới nhanh chóng vượt lên những thử thách của COVID-19, cung cấp những loại vaccine hiệu quả, thì phản ứng đối với sự bùng phát của đại dịch đã bị cản trở bởi sự bất bình đẳng toàn cầu, cũng như đại dịch thông tin sai lệch… Sự chia rẽ và chậm trễ làm phức tạp thêm thách thức, virus tiếp tục lây lan, đột biến và gây ra những làn sóng lây nhiễm mới.
Kinh nghiệm đối phó với COVID-19 chỉ rõ, sẽ khó khăn như thế nào để đạt được sự đồng thuận toàn cầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Khi các dấu hiệu của thách thức này ngày càng rõ ràng hơn, đây là nơi mà các tòa soạn chuyên nghiệp đóng một vai trò quan trọng. Đó cũng là lý do Ngày Tin tức Thế giới năm nay tập trung vào cuộc khủng hoảng khí hậu.
Gần 500 tổ chức tin tức đến từ khắp nơi trên thế giới cùng kể câu chuyện về biến đổi khí hậu đang tác động đến cuộc sống và sinh kế của các cộng đồng như thế nào, và họ đang phải vật lộn với vấn đề đó ra sao. Các tòa soạn chuyên nghiệp, với nguồn lực và chuyên môn, mang khả năng tốt nhất để kể những câu chuyện này một cách rõ ràng, hấp dẫn và đáng tin cậy.
Một trong những ví dụ điển hình nhất là bộ phim tài liệu “Sự thật về biến đổi khí hậu” của Hãng Thông tấn BBC, do nhà môi trường học David Attenborough thực hiện; trong đó tổng hợp các sự kiện khí hậu và chỉ ra hành động một cách khoa học và có thể tin tưởng. “Bắc Cực có thể bị biến đổi. Băng có thể tan chảy và những loài động vật nổi tiếng nhất của Bắc Cực có thể biến mất vĩnh viễn”, ông David Attenborough lưu ý; đồng thời cho rằng, vẫn còn thời gian để hành động nếu thế giới muốn giảm thiểu những thay đổi này, nhưng thời gian đang dần cạn kiệt.
Ngày 28/9 đánh dấu Ngày Tin tức Thế giới thường niên lần thứ 4, một chiến dịch toàn cầu nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các nhà báo, và nêu bật vai trò quan trọng của báo chí dựa trên sự thật trong việc biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Chiến dịch năm nay thu hút các tổ chức tin tức trên khắp 6 châu lục như: BBC, The Guardian, The New Yorker, Reuters, The Straits Times, South China Morning Post, AFP, The Hindu..., Việt Nam News, và VnExpress International.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ The Straits Times & worldnewsday.org)