Đặc phái viên ASEAN về Myanmar Erywan Jusof. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN/Vietnam+
Cụ thể, trong một hội nghị truyền hình với Bộ trưởng Ngoại giao do chính quyền quân đội Myanmar bổ nhiệm Wunna Maung Lwin, Đặc phái viên Erywan Jusof đã đề xuất ngừng bắn cho đến cuối năm nay và quân đội Myanmar đã chấp nhận lời đề nghị này.
Theo Đặc phái viên Eryan: “Đây không phải là lệnh ngừng bắn chính trị. Đây là lệnh ngừng bắn để đảm bảo an toàn và an ninh cho các nhân viên nhân đạo khi họ ra ngoài phân phát viện trợ cho người dân.
Được biết, viện trợ nhân đạo từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên đang được chuẩn bị khi các nước phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chính trị 3 bên, nền kinh tế suy thoái và sự hoành hành của đại dịch COVID-19.
Với Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo có trụ sở tại Indonesia được giao nhiệm vụ triển khai hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar, ông Eryan cho biết: “Chúng tôi đang tham gia và gửi tín hiệu đến tất cả các bên liên quan ở Myanmar nhằm ngăn chặn và thực hiện kiềm chế tối đa bất kỳ hành vi bạo lực nào có thể xảy ra”.
Đợt viện trợ đầu tiên bao gồm các thiết bị y tế mà Myanmar cần khẩn cấp để giúp đỡ những người bị bệnh nặng do COVID-19, chẳng hạn như máy tạo khí oxy và đồ bảo hộ... Tất cả sẽ đến tay người dân Myanmar.
Trong khi đó, viện trợ cho các khu vực biên giới do các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang kiểm soát có thể được vận chuyển bằng đường bộ qua nước láng giềng Thái Lan.
Bước tiếp theo sẽ là mua vaccine cho Myanmar.
Trong một thông tin có liên quan, ông Erywan Jusof được bổ nhiệm làm đặc phái viên vào đầu tháng 8, vài tháng sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN đồng ý với “đồng thuận 5 điểm” để giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng do đảo chính ở Myanmar.
Đồng thuận kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, bắt đầu triển khai đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thúc đẩy đổi thoại nhờ một đặc phái viên, viện trợ nhân đạo và triển khai chuyến thăm của đặc phái viên về Myanmar để gặp gỡ các bên liên quan.
Ông Erywan Jusof cũng bày tỏ hi vọng rằng sẽ đến thăm Myanmar trong tháng này và biến nó thành “một chuyến thăm thực sự”, cho phép ông tiếp cận đầy đủ với các bên liên quan. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này muốn có được “một bức tranh rõ ràng” về những gì được phép làm và không được phép làm để quyết định liệu chuyến thăm có được tiến hành hay không.
Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)