Thế giới

Đại dịch tiếp tục hoành hành, đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu

ClockThứ Sáu, 31/07/2020 19:10
TTH - Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến được Reuters tiến hành với hơn 500 nhà kinh tế trên toàn cầu cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới lại một lần nữa sụt giảm, khi số ca nhiễm COVID-19 vẫn đang gia tăng và nguy cơ tái áp đặt các biện pháp hạn chế có thể đe doạ sự phục hồi của nền kinh tế tổng thể.

EU đạt thỏa thuận gói 750 tỷ euro hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu COVID-19EU chưa đạt được đồng thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới liên tục sụt giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Theo thống kê của Worldometer, tính đến ngày 31/7, hơn 17 triệu người đã nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới và hơn 677.000 người đã chết. Thực tế này buộc các chính phủ phải áp dụng các biện pháp phong toả và hạn chế chặt chẽ để hạn chế sự lây lan của virus, yêu cầu người dân ở nhà, nhiều doanh nghiệp và trường học phải đóng cửa, khiến cuộc suy thoái vẫn chưa thể kết thúc.

Sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ, nơi số người chết liên quan đến đại dịch này đã vượt quá 150.000 người, đã khiến một số tiểu bang áp đặt lại các hạn chế. Hầu hết các nhà kinh tế, nhà đầu tư dài hạn và thậm chí cả Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đều thừa nhận rằng, triển vọng kinh tế phụ thuộc đáng kể vào diễn biến của dịch bệnh.

Không chỉ ở Mỹ, số ca nhiễm mới cũng tiếp tục gia tăng ở nhiều nơi khác, như Australia, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Brazil… khiến các nhà kinh tế một lần nữa cắt giảm triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay xuống mức thấp kỷ lục.

Ông Jan Lambregts, trưởng nhóm nghiên cứu thị trường tài chính toàn cầu tại Rabobank cho rằng, “những gì chúng ta cần là một loại vaccine hoặc những đột phá đáng kể trong các loại thuốc điều trị để có thể mở cửa lại nền kinh tế một cách dứt khoát và khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện tại, vẫn chưa có “cây đũa thần” nào như vậy”.

Theo Reuters, nền kinh tế toàn cầu dự kiến ​​sẽ giảm 4,0% trong năm nay, tức khoảng 3,4 nghìn tỷ USD, gần tương đương với việc xóa sổ hoàn toàn các nền kinh tế Canada và Australia. Đây là đợt hạ dự báo tăng trưởng lần thứ 6 liên tiếp, từ mức dự báo tăng trưởng 3,1% được đưa ra hồi tháng 1/2020.

Sang năm 2021, nền kinh tế thế giới dự kiến ​​sẽ tăng 5,3%, thấp hơn một chút so với mức dự báo 5,4% hồi tháng trước. Những kỳ vọng này đang dựa trên tình hình hiện tại, với hy vọng vaccine sẽ sớm được phát triển.

Tuy nhiên, theo kịch bản tồi tệ nhất, nền kinh tế thế giới sẽ giảm đến 6,5% trong năm nay, tệ hơn nhiều so với mức dự báo giảm 4,9% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), và sau đó chỉ tăng 2,0% trong năm tới.

Sau 6 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát, các bằng chứng cho thấy nền kinh tế toàn cầu đã khác biệt đi nhiều và có thể sẽ kéo dài, nhà nghiên cứu kinh tế Christian Keller nhận định. Theo ông, những thay đổi này được thể hiện rõ trong các chính sách tài chính và tiền tệ, đồng thời cũng mở rộng sang thương mại toàn cầu, chuỗi cung ứng, du lịch quốc tế và địa chính trị.

Triển vọng kinh tế của Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản và Australia đã sụt giảm liên tục và kỳ vọng tăng trưởng năm 2021 cũng rất khiêm tốn khi các nước này dự kiến đối mặt với sự suy thoái lịch sử ​​trong năm nay.

Đối với khu vực đồng euro, triển vọng cho năm tới có sự gia tăng nhẹ sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đồng ý về gói kích thích trị giá 750 tỷ euro.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Reuters & Japantimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Return to top