|
Đông Nam Á “ngập” trong rác từ các nước phát triển. Ảnh: nld.com.vn |
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc (LHQ), mặc dù là nơi sinh sống của chưa đến 9% dân số toàn cầu nhưng trong khoảng thời gian từ năm 2017 – 2021, các nước ASEAN đã nhận được 17% lượng rác thải nhựa nhập khẩu của thế giới. Báo cáo của Greenpeace cho biết, chỉ riêng từ năm 2016 đến 2018, khu vực này đã chứng kiến lượng rác thải nhựa nhập khẩu tăng 171%, lên 2,26 triệu tấn.
Hoạt động nhập khẩu rác thải nhựa bất hợp pháp này đã khiến Đông Nam Á trở thành khu vực có lượng rác thải nhựa đại dương lớn nhất thế giới, phần lớn là do hệ thống sông ngòi, đường bờ biển dài, cũng như các quy định và quản lý môi trường yếu kém trong khu vực.
Theo một nghiên cứu của The Ocean Cleanup, 6 trong số 10 quốc gia gây ô nhiễm nhựa đại dương lớn nhất thế giới năm 2021 đều ở Đông Nam Á.
Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan chiếm hơn 50% tổng sản lượng rác thải nhựa toàn cầu, riêng Philippines chiếm hơn 1/3 tổng lượng rác thải của khu vực với khoảng 356.371 tấn/năm.
Nhìn chung, châu Á - nơi sinh sống của gần 60% dân số thế giới, đã tạo ra hơn 80% rác thải nhựa đại dương của toàn cầu.
Trong nhiều thập kỷ, tái chế nhựa đã qua sử dụng được quảng bá như một giải pháp kinh doanh và quản lý rác thải ở các nước phát triển như một phần trong nỗ lực tạo ra “nền kinh tế tuần hoàn”, dựa vào việc tái sử dụng vật liệu để tăng cường tính bền vững.
Nhưng các nhà phê bình hiện đang ngày càng chỉ ra rằng, nhựa - không giống như kim loại - không thể được tái chế một cách không giới hạn và phần lớn rác thải nhựa được nhập khẩu để tái chế chỉ là rác nhựa được thải bỏ, gây gánh nặng cho các quốc gia nhập khẩu. Kết quả là, hàng triệu tấn rác thải không thể xử lý được đã đổ về các nước đang phát triển – những nước thậm chí không thể tự quản lý lượng rác thải của mình.
Ảnh hưởng lan rộng
Hiện chưa rõ bao nhiêu rác thải nhựa ở Đông Nam Á có nguồn gốc từ ngoài khu vực. Điều rõ ràng là ASEAN đã không có khả năng tự quản lý và các nước bên ngoài đang làm trầm trọng thêm vấn đề đó bằng việc xuất khẩu rác thường không thể tái chế, bao gồm cả nhựa không được giám sát trong các loại rác thải thời trang giá rẻ và các dạng rác thải khác.
Vấn đề rác thải nhựa trong khu vực đã trở nên trầm trọng hơn sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa và rác thải điện tử từ đầu năm 2018, vì phần lớn trong số đó không thể tái chế và gây ô nhiễm. Trước thời điểm đó, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 50% số nhựa và thiết bị điện tử phế thải trên thế giới.
Ông Masood Karimipour, đại diện khu vực của Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNDOC) cho biết: “Hiệu ứng lan tỏa từ lệnh cấm nhập khẩu rác thải của Trung Quốc khiến Đông Nam Á trở thành mục tiêu của những kẻ buôn bán rác thải bất hợp pháp”. Thậm chí, điều này đã khiến Đông Nam Á trở thành “tâm điểm của nạn buôn bán rác thải”.
Greenpeace vào năm 2019 đã kêu gọi cấm ngay lập tức tất cả việc nhập khẩu chất thải nhựa, ngay cả những chất thải dành cho “tái chế” và yêu cầu tất cả các nước ASEAN phê chuẩn Công ước Basel sửa đổi - đã được các quốc gia thành viên OECD, EU và Liechtenstein ký năm 1994 để cấm vận chuyển rác thải nguy hại xuyên biên giới.
Nỗ lực quản lý
Sau lệnh cấm của Trung Quốc vào năm 2018, dòng rác thải chảy vào Đông Nam Á đã nhanh chóng gây ra nhiều phẫn nộ. Vào thời điểm đó, Philippines đã trả lại 69 container cho Canada và Malaysia từ chối 450 tấn rác thải nhựa từ nhiều quốc gia khác. Vào tháng 7 cùng năm, Campuchia phát hiện 70 container vận chuyển từ Mỹ và 13 container từ Canada chứa đầy rác thải nhựa tại cảng chính Sihanoukville trên Biển Đông và đã từ chối tiếp nhận.
Được biết, EU hiện đang tài trợ cho Unwaste, một dự án kéo dài ba năm hợp tác với UNODC và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), để chống buôn bán rác thải giữa EU và Đông Nam Á.
“Chúng tôi ủng hộ các biện pháp ở cấp độ đa phương, khu vực và song phương để chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực xuất khẩu bất hợp pháp, buôn bán trái phép và chúng tôi cũng cam kết tăng cường kiểm soát việc vận chuyển rác thải và cải thiện việc quản lý rác thải bền vững”, Phó Trưởng phái đoàn EU tại Thái Lan Sara Rezoagli nhấn mạnh.
Song song đó, quy định về vận chuyển rác thải được Ủy ban châu Âu đề xuất lần đầu tiên vào cuối năm 2021 sẽ được Quốc hội châu Âu thông qua vào cuối tháng này, bao gồm lệnh cấm xuất khẩu rác thải sang các nước thứ ba và đặc biệt cấm vận chuyển rác thải nguy hại sang các nước không thuộc OECD, trừ khi được cho phép cụ thể.
Các đối tác của dự án, gồm: Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam - là 4 trong số 10 thành viên của ASEAN nhưng nhận hơn 90% lượng rác thải nhựa nhập khẩu hợp pháp của khu vực, dữ liệu cho thấy.
Đối với người dân bãi biển Labuan ở Indonesia, giải pháp ắt hẳn không thể đến sớm được.
“Tôi đã hoàn toàn từ bỏ và chấp nhận cái cảnh ngập trong rác này rồi. Những bãi biển khác tràn ngập khách du lịch, còn tất cả những gì bãi biển chúng tôi nhận lại được chỉ là rác rưởi”, một cư dân ở bãi biển Labuan ngậm ngùi nói.