Singapore được xem là quốc gia dẫn đầu của ASEAN trong cả nỗ lực mở cửa trở lại và bình thường hóa. Ảnh: CNA
Trong khi các nền kinh tế châu Á lớn hơn như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm tới, tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ cải thiện khi mức độ hoạt động nội địa của các nước tăng lên. Theo ông Brian Tan - nhà kinh tế khu vực của ngân hàng Barclays, sự phục hồi có thể sẽ bị kìm hãm trong quý I/2022, và tốc độ chậm lại có khả năng kéo dài sang quý II đối với một số nước, do các chính phủ vẫn thận trọng trong việc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sự thận trọng này được cho là sẽ giúp các nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong nửa cuối năm tới, vì các nước vốn đang tụt lại phía sau trong việc tiêm chủng
vaccine ngừa COVID-19 có thể bắt kịp tiến trình chung, từ đó giúp nền kinh tế trở nên thoải mái hơn với việc mở cửa lại biên giới, tạo điều kiện cho du lịch phục hồi.
Mặc dù vậy, “những cơn gió ngược” sẽ vẫn tồn tại. Nhà kinh tế học Barjoria cho rằng, các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tiếp tục đè nặng lên tăng trưởng, và sẽ không có giải pháp căn cơ nào cho đến nửa cuối năm 2022, khi các nút thắt dần được tháo gỡ trong 6 - 12 tháng tới.
Triển vọng xuất khẩu tươi sáng
Cũng theo Business Times, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra khá lạc quan về triển vọng xuất khẩu của ASEAN khi phần lớn các nước trên toàn cầu tiếp tục mở cửa trở lại. Các số liệu thương mại tháng 9 của Malaysia và Thái Lan đang cho thấy những điểm sáng tốt hơn dự kiến.
Nhận định về vấn đề này, nhà kinh tế học Sian Fenner phụ trách khu vực châu Á của Oxford Economics cho rằng, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế vì COVID-19 ở các nước Đông Nam Á sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng liên tục trong xuất khẩu sản xuất của quý IV năm nay.
Tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, tăng trưởng xuất khẩu hàng năm cũng được cải thiện do các hạn chế được nới lỏng, tạo đà kích thích cho hoạt động sản xuất gia tăng.
Cụ thể, xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 9 tăng mạnh hơn dự kiến 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng xuất khẩu của Malaysia đã tăng cao hơn dự kiến 24,7% trong tháng 9, dẫn đến thặng dư thương mại kỷ lục 26,1 tỷ RM, ngay cả khi nhập khẩu tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Vẫn tồn tại những thách thức
Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, nhà kinh tế học của Barclays cũng nêu ra 3 thách thức chính đối với châu Á trong năm 2022, bao gồm: rủi ro tiếp tục liên quan đến đại dịch COVID-19, lạm phát giá nhập khẩu - nhất là khi châu Á gồm các nước nhập khẩu năng lượng lớn - và những thay đổi trong quan điểm chính sách của các thị trường phát triển, dù là tiền tệ hay tài khóa.
Nếu ngân hàng Trung ương của các nước thắt chặt chính sách hơn, điều này có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến khu vực - mặc dù đó không phải là tình huống cơ bản mà các nhà kinh tế Barclays đề cập.
Từ quý II/2022 trở đi, khả năng bình thường hóa các chính sách có thể sẽ tăng lên trong các ngân hàng Trung ương ở Đông Nam Á. Theo nhận định của Barclays, ngoại trừ Singapore, nhiều ngân hàng Trung ương Đông Nam Á sẽ không thực sự vội vàng thực hiện bất kỳ hình thức bình thường hóa nào trong thời điểm hiện tại.
Singapore được đánh giá là quốc gia dẫn đầu trong cả nỗ lực mở cửa trở lại và bình thường hóa. Sự khác biệt giữa Singapore và các nước còn lại trong khu vực là sự phục hồi kinh tế đã “bắt đầu thể hiện nhiều hơn một chút về con số lạm phát”, khi số liệu lạm phát cơ bản của Singapore có sự gia tăng bất ngờ.
Ngược lại, triển vọng về Trung Quốc đã mờ nhạt hơn trong những tháng gần đây. Các lý do để lo ngại bao gồm việc chính phủ nước này thắt chặt các quy định; sự không chắc chắn về tác động của động lực “thịnh vượng chung”; khủng hoảng năng lượng; và sự tái bùng phát gần đây các ca nhiễm COVID-19.
Trong năm tới, các nhà kinh tế Barclays cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đương đầu với một số khó khăn đáng kể, với dự báo tăng trưởng 4,7%. Các “cam kết xanh” của chính phủ nước này sẽ tiếp tục đè nặng lên các ngành công nghiệp nặng, và chính phủ đang phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc đáp ứng các cam kết về tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2022, do họ đã bỏ lỡ các cam kết này vào năm 2020 và có khả năng cũng sẽ bỏ qua trong năm 2021. Trong khi đó, chính sách “zero COVID” của Trung Quốc dự kiến sẽ được duy trì đến năm 2022 - cho thấy nước này sẽ phải đối mặt với nhiều biện pháp thắt chặt hơn nữa.
Tuy nhiên, một điểm đáng lạc quan là mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang được cải thiện. Theo nhà kinh tế trưởng Jian Chang của Barclays, bên cạnh những bất đồng chưa được giải quyết, mối quan hệ công việc giữa các quan chức cấp cao giữa hai bên đang được cải thiện. Đây được cho là tín hiệu tốt cho mối quan hệ 2 nước, sau cuộc chiến thương mại kéo dài mấy năm nay.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp & lược dịch từ Business Times & Business Insider)