Châu Âu đang nỗ lực cho cuộc sống bình thường mới sau dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Reuters/Tuổi trẻ Online
Theo đó, các đại sứ từ 27 quốc gia thành viên EU đã thông qua một đề xuất sửa đổi của Ủy ban châu Âu rằng những người đã được tiêm chủng đầy đủ trong 14 ngày sẽ có thể tự do đi lại từ quốc gia này sang quốc gia khác trong khối EU. Những hạn chế đối với du khách phải dựa trên mức độ và tình hình lây nhiễm của dịch COVID-19 mà nước đó đang phải đối mặt.
Được biết, hiện chỉ khoảng ¼ người trưởng thành của khối Liên minh châu Âu (EU) được tiêm chủng đầy đủ.
Các hướng dẫn sửa đổi được đưa ra khi EU giới thiệu chứng nhận COVID-19. Chứng chỉ sẽ có hiệu lực ở EU từ ngày 1/7, bất chấp việc một vài quốc gia đã đưa vào áp dụng công nhận chứng chỉ này sớm hơn.
Khi tiến trình tiêm chủng được thúc đẩy, khối Liên minh châu Âu (EU) sẽ nới lỏng mã màu đèn giao thông - hệ thống thể hiện mức độ an toàn của các khu vực khác nhau ở EU.
Trong đó, khu vực “đèn xanh” phải đạt tỷ lệ 25 ca lây nhiễm trên 100.000 người trong 14 ngày, với dưới 4% các số ca là dương tính.
Các giới hạn đối với mức “cam” cũng sẽ có tỷ lệ cao hơn.
Đối với việc đi lại từ khu vực màu xanh có thể sẽ không có hạn chế. Tuy nhiên ở khu vực cam, có thể du khách sẽ phải trải qua bài xét nghiệm COVID-19. Đối với khu vực màu đỏ, khả năng sẽ phải cách ly và các hoạt động đi lại không thiết yếu sẽ không được khuyến khích cho khu vực đỏ.
Trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể sẽ phải xét nghiệm, nhưng họ sẽ chỉ bị cách ly nếu có người lớn đi cùng.
Các quốc gia thành viên EU cũng sẽ có thể nhấn mạnh một lệnh ngăn chặn khẩn cấp để cấm nhập cảnh tất cả các du khách từ một khu vực có sự gia tăng đột biến về các biến thể lây nhiễm cao của COVID-19.
Hệ thống quy định này cũng được thiết kế để áp dụng cho các quốc gia không thuộc EU như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, song không áp dụng cho cựu thành viên EU là Anh.
Cũng trong một diễn biến liên quan đến đại dịch, chính phủ Anh ngày 12/6 cho biết, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền trong các hộ gia đình cao hơn 60% so với biến thể Alpha – chủng virus đã khiến nước này phải rơi vào trạng thái phong tỏa hồi tháng Giêng.
Biến thể Delta, lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ đã và đang gây ra và kéo theo rất nhiều ca nhiễm mới ở Vương quốc Anh. Chính điều này đã đặt ra câu hỏi liệu những hạn chế về giãn cách xã hội có được dỡ bỏ như kế hoạch vào ngày 21/6 hay không.
Chính phủ nước này đã tăng cường hoạt động tiêm chủng công khai. Đến nay, đã có 29 triệu người trưởng thành tiêm đủ 2 mũi và gần 41 triệu người đã nhận được mũi tiêm đầu tiên.
Tính đến ngày 10/6, số ca nhiễm mới hằng ngày đã tăng lên 7.393 ca nhiễm – mức chưa từng có từ tháng 2. Các bộ trưởng cho biết hơn 90% số ca nhiễm mới là do biến thể Delta.
Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân phải nhập viện vẫn ở mức thấp, chỉ hơn 1.000 trường hợp ghi nhận vào ngày 10/6. Điều này cho thấy chương trình tiêm chủng mà Anh triển khai đang giảm thiểu tác động của biến thể Delta. Từ đó kêu gọi người dân nên tiêm đủ 2 mũi vaccine cần thiết.
Theo Tiến sĩ Jenny Harries, Giám đốc điều hành Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, so với chỉ tiêm 1 mũi, tiêm đủ 2 liều vaccine sẽ cung cấp khả năng bảo vệ tốt hơn đáng kể trước biến thể Delta.
Theo lộ trình của chính phủ Anh, nước này có kế hoạch loại bỏ các quy định hạn chế về số lượng người được tập trung tại các cuộc tụ họp xã hội, cho phép các đám cưới lớn được diễn ra và mở cửa trở lại các hộp đêm từ ngày 21/6 tới. Song cùng lúc, các quan chức Anh cũng cho biết họ sẵn sàng đổi ngày dỡ bỏ hạn chế nếu tình hình dịch bệnh thay đổi. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra và áp dụng vào tuần tới, khi nhiều doanh nghiệp đang thúc đẩy mở cửa trở lại hoàn toàn.
Đối với Thế vận hội Tokyo, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thể hiện sự ủng hộ chính quyền Nhật Bản và hoanh nghênh những nỗ lực của chính phủ xứ Phù Tang nhằm đảm bảo sự kiện thể thao tầm cỡ này được diễn ra an toàn.
Đan Lê (Lược dịch từ Reuters & CNA)