EU và ASEAN thúc đẩy hợp tác. Ảnh minh họa: Landell-Mills/TTXVN/Vietnam+
Các dự án có tổng trị giá lên đến 13 triệu Euro (15,4 triệu USD), là một phần của chương trình phát triển tổng thể quy mô rộng lớn hơn trị giá 250 triệu Euro (297,6 triệu USD) cho giai đoạn 2014 – 2020. Cộng với khoản hỗ trợ song phương trị giá 2 tỷ Euro (2,3 tỷ USD) cho các nước thành viên ASEAN, sự hỗ trợ và hợp tác này của liên minh đã biến EU trở thành đối tác quan trọng nhất của khối thương mại.
Nhân dịp này, Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans cho biết: “Với kế hoạch này, EU và ASEAN thể hiện cam kết mạnh mẽ của hai bên trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác bất chấp tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng từ sự không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu”.
Đại sứ Igor Driesmans cũng nhấn mạnh, “trong những thời điểm khó khăn này, chúng tôi cho thấy, không phải cô lập, hợp tác mới là cách để giải quyết những thách thức cấp bách hiện nay bao gồm biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19”.
Theo tuyên bố của phái đoàn EU tại ASEAN, 3 dự án dự kiến bắt đầu thực hiện vào năm 2020 sẽ bao phủ những lĩnh vực ưu tiên như tăng trưởng xanh; biến đổi khí hậu và môi trường; cũng như quản trị công. Cụ thể:
Dự án các thành phố xanh và thông minh của ASEAN
Dự án tập trung vào đô thị hóa bền vững, hỗ trợ các giải pháp thông minh được áp dụng số hóa và công nghệ. Khoản hỗ trợ cho dự án này là 5 triệu Euro (5,9 triệu USD).
Tận dụng kinh nghiệm của mình trong việc thúc đẩy và tăng trưởng các đô thị thông minh, EU sẽ hỗ trợ sáng kiến Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) nhằm hỗ trợ đô thị hóa bền vững trong khối thương mại, giảm tác động môi trường của các khu vực đô thị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Ảnh minh họa: VTV.vn
Để dự án đạt được hiệu quả, sáng kiến sẽ dựa trên sự kết hợp các giải pháp cấp thành phố, xây dựng năng lực quốc gia và những cách tiếp cận của khu vực như ASCN- một nền tảng hợp tác được thành phố thành lập vào năm 2018 nhằm hỗ trợ các giải pháp về thành phố xanh và thông minh tại 26 thành phố thí điểm của ASEAN.
Được biết, mục tiêu chính của ASCN là cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN và hướng tới mục tiêu chung là phát triển đô thị một cách thông minh và bền vững, trong đó sử dụng công nghệ làm yếu tố thúc đẩy.
Dự án FLEGT (Thực thi lâm luật, Quản lý rừng và Thương mại Lâm sản)
Dự án cũng nhận được khoản đầu tư 5 triệu Euro (5,9 triệu USD) nhằm hỗ trợ quản lý rừng, cấp phép và kinh doanh gỗ bền vững trên toàn khu vực. Kế hoạch hành động FLEGT của EU được thành lập năm 2003 có mục tiêu giảm vấn nạn khai thác gỗ bất hợp pháp bằng cách tăng cường quản lý rừng bền vững và hợp pháp, cải thiện công tác quản trị và thúc đẩy thương mại gỗ được sản xuất hợp pháp.
Đến thời điểm hiện tại, một số nước thành viên ASEAN đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) với EU. Cùng lúc, một số quốc gia còn lại như Việt Nam và Indonesia đã trong quá trình thực hiện VPA. Indonesia, một trong những nhà xuất khẩu gỗ hàng đầu của châu Á sang EU đã và đang bắt đầu cấp giấy phép FLEGT để xác minh những sản phẩm mà nước này xuất khẩu qua thị trường của khối liên minh.
Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Đại hội lần thứ 5 Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Đông Nam Á. Ảnh minh họa: sav.gov.vn
Trong một thông tin có liên quan, VPA là một hiệp định thương mại ràng buộc về mặt pháp lý giữa EU và một nước sản xuất gỗ bên ngoài EU nhằm đảm bảo gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU phải có nguồn gốc hợp pháp. Các thỏa thuận này cũng giúp những nước sản xuất gỗ ngăn chặn việc khai thác gỗ bất hợp pháp bằng cách giúp cải thiện quy định và tăng chất hiệu quả quản trị lâm nghiệp.
Khoản tài trợ bổ sung sẽ giúp các nước đối tác củng cố hệ thống xác minh nguồn gốc gỗ được khai thác có hợp pháp hay không; thúc đẩy tính minh bạch của thông tin, tăng cường xây dựng năng lực quản lý cho chính phủ của các nước đối tác và thúc đẩy cải cách chính sách.
Dự án về Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI)
Mục tiêu của dự án là tìm cách tăng cường năng lực khu vực và nâng cao nhận thức, cũng như việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao của ASEAN. Mức tài trợ cho dự án là 3 triệu Euro (3,5 triệu USD).
ASEANSAI là một tổ chức do các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) của 10 nước thành viên ASEAN thành lập nhằm thúc đẩy và khuyến khích quản trị công tốt hơn trong khối. ASEANSAI tập trung vào hợp tác kỹ thuật trong kiểm toán khu vực công, thúc đẩy trao đổi thông tin và các nội dung khác một cách tốt nhất trong khi giải quyết các vấn đề chung của khu vực.
Dự án do EU tài trợ có mục tiêu nhằm thúc đẩy hệ thống quản trị và giải trình tốt hơn trong chi tiêu công và tăng cường trao đổi để cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia thành viên có nền tảng quản trị công mạnh như Singapore và những nước của hệ thống các cơ quan kiểm toán tối cao còn tương đối thiếu kinh nghiệm như Myanmar, Campuchia và Lào.
Đại sứ của Phái đoàn thường trực Singapore tại ASEAN Kok Li Peng nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, chúng ta kỷ niệm mối quan hệ dân với dân lâu dài giữa các nước. Trong bối cảnh mà đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế các quốc gia, chúng ta đã và đang tìm thấy con đường và những cách thức để tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và EU, cũng như xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp giữa hai khối khu vực”.
HẠNH NHI
(Lược dịch từ The ASEAN Post)