Pakistan đạt được thỏa thuận tài chính trị giá 6 tỷ USD với IMF hôig tháng 5/2019 để thúc đẩy nền kinh tế. Ảnh minh hoạ: Thoibaokinhtevietnam
Thị trường nợ địa phương của Pakistan hiếm khi là nơi mà ngay cả những nhà đầu tư ít ngại rủi ro nhất chọn lựa để đánh cược. Nhưng trái phiếu có chủ quyền của quốc gia châu Á này đang chứng kiến dòng tiền nước ngoài đồ vào nhiều chưa từng có, với các nhà đầu tư toàn cầu mua trái phiếu 1 năm trị giá 642 triệu USD chỉ trong tháng 11. Điều này dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 3 tỷ USD vào cuối năm tài chính.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng 200% trong nửa đầu năm 2019, theo cố vấn tài chính của thủ tướng Abdul Hafeez Shaikh, trong khi chứng khoán cũng tăng. Chỉ số chứng khoán chính của thành phố Karachi tăng 13% trong tháng qua, khiến nó trở thành sàn giao dịch chứng khoán hoạt động tốt nhất theo bình chọn của Bloomberg.
Ngân hàng trung ương Pakistan đã tăng gấp đôi lãi suất cơ bản lên 13,25% trong năm nay, hiện là mức cao nhất ở châu Á, như một phần trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và cho thấy sự sẵn sàng cải cách tài chính công – một động thái phù hợp với sự hỗ trợ của IMF.
Theo chuyên gia kinh tế Charles Robertson của Renaissance Capital, "lợi nhuận hai con số trên một loại tiền rẻ là một giao dịch có giá trị cao. Tôi sẽ khuyên các nhà đầu tư tiếp tục mua cổ phiếu của Pakistan”. Thậm chí, ngay cả việc cắt giảm lãi suất ngân hàng trung ương một vài phần trăm vẫn sẽ khiến Pakistan trở nên thú vị, ông Roberston tiếp tục. "Các lựa chọn chính sách hiện tại của Pakistan mang đến cho quốc gia này cơ hội tốt nhất để đi vào con đường tăng trưởng bền vững".
Trong tổng số các loại trái phiếu 1 năm được mua vào tháng 11/2019, 55% là từ Anh và 44% từ Mỹ, dữ liệu ngân hàng trung ương cho thấy. Gần đây, Pakistan cũng tuyên bố sẽ phát hành "trái phiếu gấu trúc" (panda bond) trị giá 1 tỷ USD trong quý I/2020 tại thị trường Trung Quốc lần đầu tiên bằng nhân dân tệ, ông Muhammad Aurangzeb, CEO của Habib Bank cho biết. Trái phiếu gấu trúc là một trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc từ một công ty phát hành không phải của Trung Quốc, được bán ở Trung Quốc.
Năng suất càng cao, rủi ro càng lớn. Được hỗ trợ bởi Quỹ hỗ trợ tiền tệ quốc tế (IMF), chính phủ Pakistan đầu năm nay đã bắt đầu một kế hoạch vốn đã trở nên quen thuộc với nhiều quốc gia đang phát triển khi chấp thuận các điều khoản của IMF để đổi lấy sự hỗ trợ, bằng cách cắt giảm chi tiêu của chính phủ, khôi phục kỷ luật tài khóa, khuyến khích xuất khẩu và cắt giảm thâm hụt tài khoản vãng lai. Chính phủ cũng đồng ý tăng doanh thu hơn 40% trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 7, một mục tiêu mà nhiều người tin là không thực tế.
Hôm 2/12, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng triển vọng tín dụng của Pakistan từ mức “tiêu cực” lên “ổn định”. "Sự khẳng định về mức xếp hạng phản ánh nền kinh tế tương đối lớn của Pakistan và tiềm năng tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ, cùng với những cải tiến về thể chế đang diễn ra, nhằm nâng cao uy tín và hiệu quả chính sách, mặc dù xuất phát điểm thấp", Moody’s nhận định.
Cơ quan này cho biết họ dự kiến thâm hụt tài khoản vãng lai của Pakistan sẽ thu hẹp trong năm tài chính 2019-2020 (kết thúc vào tháng 6/2020), trung bình khoảng 2,2% GDP, từ khoảng 5% vào năm 2019.
BẢO NGHI (Lược dịch từ DW)