Hàn Quốc đang đối mặt với áp lực lạm phát ngày càng tăng. Ảnh: Reuters/Dangcongsan.vn
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, giá tiêu dùng tháng 6 đã tăng 6% so với một năm trước đó, tăng nhanh từ mức 5,4% trong tháng 5. Con số này đánh dấu tỷ lệ lạm phát mạnh nhất kể từ khi giá tiêu dùng tăng 6,8% vào tháng 11/1998, khi Hàn Quốc đang ở giữa cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Đây cũng là tháng thứ 15 liên tiếp giá tiêu dùng ở Hàn Quốc tăng cao hơn mục tiêu lạm phát 2% mà ngân hàng trung ương nước này đặt ra trong trung hạn.
Hàn Quốc phải đối mặt với áp lực lạm phát ngày càng tăng, khi giá dầu thô và các hàng hóa khác tăng do cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, và nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn. Lạm phát do cầu kéo cũng gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi.
Cơ quan thống kê cho biết trong thời điểm hiện tại, lạm phát dự kiến sẽ duy trì trong khoảng 6% và không loại trừ khả năng có thể tăng đến 7% vào một thời điểm nào đó.
Theo một quan chức cấp cao của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, “nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, lạm phát hàng năm có thể vượt mức dự báo 4,7% của Bộ Tài chính”.
Áp lực lạm phát gia tăng cũng dẫn đến nhiều đồn đoán rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản ngay trong tháng này.
Một số chuyên gia dự báo BOK sẽ tiến hành một đợt tăng lãi suất “mạnh” chưa từng có, đến 50 điểm cơ bản, tại cuộc họp chính sách ngày 13/7 tới để kiềm chế lạm phát.
Kể từ tháng 8/2021 đến nay, BOK đã tăng lãi suất cơ bản 5 lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, lên mức 1,75%.
Theo các nhà phân tích, lạm phát tháng 6 của Hàn Quốc chủ yếu do giá các sản phẩm xăng dầu và dịch vụ cá nhân tăng.
Tháng trước, giá các sản phẩm xăng dầu đã tăng 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí nhiên liệu cao, trong khi Hàn Quốc lại phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.
Ngoài ra, nhu cầu phục hồi và việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vì COVID-19 cũng đẩy giá dịch vụ cá nhân lên 5,8%. Chi phí ăn uống bên ngoài cũng tăng vọt lên 8%, cao nhất trong gần 30 năm.
Lạm phát cơ bản - không bao gồm giá thực phẩm và dầu biến động - đã tăng 3,9% so với tháng trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2009.
Song song đó, giá các mặt hàng thiết yếu (gồm 141 mặt hàng liên quan chặt chẽ đến cuộc sống hàng ngày của người dân, chẳng hạn như thực phẩm, quần áo và nhà ở) trong tháng 6 đã tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/1998.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp để ổn định giá tiêu dùng, bao gồm cắt giảm thêm thuế nhiên liệu, nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân khi giá năng lượng tăng cao.
Trong tháng 7 này, Hàn Quốc đã mở rộng cắt giảm thuế nhiên liệu lên mức trần hợp pháp là 37%, so với mức 30% trước đó, và có hiệu lực cho đến cuối năm nay.
Tuy nhiên, các đợt tăng giá điện mới nhất và tăng giá khí đốt tự nhiên được cho là những nguyên nhân khác có thể gây ra lạm phát. Đồng thời, sự suy yếu mạnh của đồng nội tệ Hàn Quốc cũng có thể gây thêm áp lực lên lạm phát vì sẽ đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao. Đồng Won hiện đã giảm hơn 8% so với đồng USD trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất mạnh.
Theo Yonhap, Hàn Quốc đã phải đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ - sự đan xen giữa tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao, do bất ổn kinh tế bên ngoài gia tăng.
Sáng nay, BOK đã tổ chức một cuộc họp tìm giải pháp cho vấn đề lạm phát và dự đoán rằng giá tiêu dùng sẽ tăng nhanh “trong thời điểm hiện tại” do sự gián đoạn nguồn cung, khi nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng và các đợt tăng giá các dịch vụ tiện ích gần đây.
Vào tháng 6, Bộ Tài chính Hàn Quốc đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát năm 2022 lên mức cao nhất trong 14 năm là 4,7%, đồng thời hạ ước tính tăng trưởng kinh tế xuống 2,6%. BOK đưa ra dự báo tăng trưởng năm 2022 ở mức 2,7% và giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 4,5% trong năm nay. Trong khi đó, công ty thẩm định tín dụng toàn cầu S&P Global Ratings hôm qua dự báo lạm phát của Hàn Quốc sẽ tăng 5% trong năm 2022.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Yonhap)