Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần dệt may Sơn Nam, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Đan Mạch, ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia) đã xuất bản cuốn sách Những điều cần biết về thị trường Đan Mạch vào năm 2020 và được Thương vụ cập nhật đến hết tháng 6/2022.
Các chuyên gia thương mại cho rằng Hiệp định EVFTA trong đó, có Đan Mạch, chính thức đi vào thực thi từ tháng 8/2021 đã và đang mang lại tác động tích cực cho cả hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-Đan Mạch, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia), Đan Mạch là một nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế hiện đại, với mức sống và dịch vụ Chính phủ cao.
Mặc dù dân số chỉ có khoảng 5,8 triệu người nhưng theo số liệu thống kê năm 2021, GDP Đan Mạch đạt 2496,6 tỷ DKK (tương đương 354,2 tỷ USD) và thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 65.669 USD.
Hơn nữa, là một nền kinh tế mở, Đan Mạch ủng hộ chính sách thương mại tự do. Xuất nhập khẩu chiếm gần 60% tổng ngân sách quốc nội (GDP).
Ngoài ra, môi trường kinh doanh của Đan Mạch được đánh giá là thân thiện, 10 năm liền được Ngân hàng Thế giới xếp hạng là nước có môi trường kinh doanh tốt nhất châu Âu và luôn đứng trong 5 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới.
Đặc biệt, Đan Mạch không những là quốc gia duy nhất ở Bắc Âu thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam mà còn là một trong những đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam tại khu vực châu Âu bởi đây là khu vực cửa ngõ nối liền phía Bắc với phần còn lại của châu Âu.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, Đan Mạch đã thực hiện các chính sách tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này./.
Theo Vietnam+