Thế giới

Hội nghị Thượng đỉnh Nhật - Mỹ: Tạo sức mạnh mới từ quan hệ đồng minh

ClockThứ Sáu, 16/04/2021 09:13
Hội nghị Thượng đỉnh Nhật - Mỹ lần này cho thấy Tokyo có vai trò hết sức quan trọng trong chính sách “đưa nước Mỹ trở lại” của Tổng thống Joe Biden.

Ông Biden điện đàm với ông Putin, đề xuất cuộc gặp thượng đỉnhThủ tướng Nhật Bản hoàn thành tiêm vaccine Covid-19, chuẩn bị gặp Tổng thống Mỹ

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dự kiến ngày 16/4 sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến chuyến công du tới Mỹ từ 15-18/4. Theo đó, ông Suga Yoshihide sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nhậm chức. Chuyến thăm thể hiện đúng cam kết của ông Suga khi nhậm chức là kế thừa các chính sách của Thủ tướng Abe Shinzo, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ rộng mở và ổn định với các quốc gia khác dựa trên trụ cột là quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.

Ảnh minh họa: Reuters

Chia sẻ sức mạnh từ quan hệ đồng minh

Chuyến thăm lần này được lên kế hoạch ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến nhóm bộ Tứ và Đối thoại chiến lược Ngoại giao, Quốc phòng (2+2) cấp Bộ trưởng Nhật - Mỹ cho thấy quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ ngày càng được coi trọng và củng cố vững chắc dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Nhật Bản thời gian gần đây nhận được sự “ủng hộ” mạnh mẽ của Mỹ đối với nhiều vấn đề như cam kết bảo vệ quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc (Senkaku/Điếu Ngư) theo Điều 5 Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ.  Bên cạnh đó, hai nước đã nhanh chóng thống nhất được mức chia sẻ kinh phí quân sự.

Mặt khác, trong khi nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã tự mình “rút” khỏi một số Diễn đàn, Hiệp định hợp tác quốc tế và khu vực thì Nhật Bản thời gian qua lại ngày càng trở nên năng động, tích lũy được quan hệ ngoại giao lâu dài với nhiều nước, uy tín được củng cố hơn trong cộng đồng quốc tế. Từ đó, Nhật Bản nắm ưu thế là nước điều phối và đưa ra các kiến nghị quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình trật tự quốc tế như vai trò dẫn dắt trong đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và Xuyên Thái Bình Dương (CP-TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay thúc đẩy sự phối hợp chiến lược trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ.

Như vậy, cuộc gặp Thượng đỉnh lần này cho thấy Nhật Bản có vai trò hết sức quan trọng trong chính sách “đưa nước Mỹ trở lại” của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Các nội dung trong tuyên bố chung sau cuộc họp 2+2 ngày 16/3 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước sẽ là cơ sở cho chương trình nghị sự lần này.

Ngoài việc thúc đẩy củng cố quan hệ đồng minh, hai bên sẽ cùng nhau phối hợp giải quyết các vấn đề “nóng” của quốc tế và khu vực như: Hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, triển khai các biện pháp kiềm chế hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, vấn đề tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong quá khứ, sản xuất vaccine ngừa Covid-19, các công nghệ mới nổi quan trọng và biến đổi khí hậu. Chuyến thăm Mỹ lần này của ông Suga sẽ là cơ hội để làm sâu sắc hơn quan hệ các nhân giữa hai nhà lãnh đạo.

Cam kết thúc đẩy hợp tác trong vấn đề Triều Tiên

Có thể thấy rằng, quan hệ Nhật Bản - Triều Tiên thời gian gần đây tiếp tục “căng thẳng” với những động thái “ăn miếng trả miếng”. Ngày 25/3 vừa qua, đúng lúc Nhật Bản khai mạc Lễ rước đuốc Olympic Tokyo, Triều Tiên phóng 2 vật thể mà nước này cho là “đầu đạn dẫn đường chiến thuật mới” xuống khu vực Biển Nhật Bản. Tiếp đến, ngày 6/4, nhân lúc Nhật Bản gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên thêm 2 năm thì Triều Tiên cũng chính thức tuyên bố không tham dự Olympic Tokyo năm nay với lý do bảo vệ các vận động viện khỏi dịch Covid-19. Động thái này được coi là chấm dứt cơ hội hiếm hoi để có thể xúc tiến đến các cuộc đàm phán không chỉ giữa Nhật Bản và Triều Tiên, mà còn giữa Mỹ - Triều Tiên, Mỹ - Hàn....

Nhật Bản một mặt lên án các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và kêu gọi cộng đồng quốc tế thực thi các biện pháp trừng phạt đối với nước này, nhưng cũng bày tỏ mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mà không cần điều kiện gì. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn để ngỏ mong muốn này của Nhật Bản.

Do quan hệ Nhật Bản –Triều Tiên chưa có dấu hiệu ấm lên, nhưng Nhật Bản vẫn mong muốn cải thiện để giải quyết vấn đề tồn tại giữa hai nước có liên quan đến sự quan tâm của người dân Nhật Bản. Chính vì lẽ đó, trong cuộc gặp Thượng đỉnh Nhật-Mỹ lần này, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận và thống nhất việc tiếp tục thúc đẩy các biện pháp ngoại giao hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Nội dung này được coi là một nội dung được đề cập sâu trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm. Điều này có khả năng sẽ gây ra cho Triều Tiên những phản ứng tiêu cực, nhưng rõ ràng Nhật-Mỹ đã thực hiện được cam kết liên quan đền vấn đề Triều Tiên.

Một cuộc hội đàm có thể chưa thể giải quyết được tất cả những vấn đề. Nhưng nó sẽ là cơ hội cho những cam kết có thể thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước và hợp tác của hai nước trong các vấn đề quốc tế./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top