Tỷ lệ trẻ em tử vong do COVID-19 ở Indonesia ở mức cao chủ yếu do các bệnh nền như suy dinh dưỡng, thiếu máu... Ảnh minh hoạ: NLD
Theo báo cáo ảm đạm của Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI), 51 trường hợp trẻ em tử vong đã được ghi nhận từ ngày 17/3 trên tổng số 2.712 ca nhiễm tính đến ngày 20/7. Báo cáo cũng chỉ ra rằng có thêm 290 trong số 7.633 trẻ nhỏ bị nghi nhiễm COVID-19 có thể đã chết vì virus này.
Ông Aman Bhakti Pulungan, Chủ tịch IDAI mới đây thừa nhận rằng Indonesia đã "ghi nhận số ca tử vong trẻ em do nhiễm COVID-19 cao nhất ở ASEAN và thậm chí cả châu Á", đồng thời cho rằng "khi đại dịch chưa kết thúc, Indonesia có thể sẽ có tỷ lệ tử vong trẻ em do COVID-19 cao nhất thế giới", trong khi chưa có trường hợp tử vong nào ở trẻ em được báo cáo ở Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Các quan chức y tế Indonesia cho rằng sở dĩ nước này có số lượng trẻ em tử vong do COVID-19 ở mức cao là do các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn của chúng, như suy dinh dưỡng, thiếu máu cũng như sự yếu kém của các cơ sở y tế nhi khoa.
Theo IDAI, 45 trẻ em ở nước này chết vì COVID-19 bị mắc các bệnh như nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, bệnh lao, nhiễm trùng đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng cấp tính và sốt xuất huyết.
Bác sĩ Aman cũng cho biết thêm rằng sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị muộn đã gây ra cái chết của hầu hết trẻ em dưới 6 tuổi.
"Có rất nhiều trẻ em được điều trị chỉ trong 24 giờ, 36 giờ hoặc 48 giờ trước khi chúng tử vong, thậm chí, một số được chẩn đoán chỉ sau khi chúng không qua khỏi”, ông Aman nói.
Một bé gái 15 tháng tuổi ở Batam đã tử vong hôm 23/5, một ngày sau khi người mẹ đưa bé đến bệnh viện vì bị sốt và tiêu chảy. Bé gái này đã không qua khỏi khi chuẩn bị được tiến hành xét nghiệm. Ông Tjetjep Yudiana, người đứng đầu cơ quan y tế tỉnh Quần đảo Riau, cho biết cô bé bị thiếu cân, vì vậy hệ thống miễn dịch của cô bé rất yếu.
Theo thống kê dân số của Indonesia, trẻ em chiếm gần 1/3 trong tổng số 270 triệu công dân nước này, tương đương khoảng 83 triệu trẻ.
Trong bối cảnh hiện tại, bác sĩ Aman khuyến nghị rằng tất cả những đứa trẻ có các triệu chứng như tiêu chảy và sốt nên được xét nghiệm để kiểm tra virus SARS-CoV-2.
Ông Jasra Putra, ủy viên Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia, cũng kêu gọi các cơ quan y tế của đất nước tiến hành kiểm tra đối với con cái của những phụ huynh nghi nhiễm bệnh. "Nếu cha mẹ của chúng được kiểm tra, những đứa trẻ cũng phải được kiểm tra", ông nói. Các xét nghiệm cũng có thể giúp chính phủ nắm bắt tình hình và đưa ra các chính sách y tế phù hợp với nhu cầu của trẻ, như phân phối vitamin để tăng cường khả năng miễn dịch cho trẻ em, ông nói thêm.
Ông Nahar, phó giám đốc phụ trách bảo vệ trẻ em tại Bộ Bảo vệ Phụ nữ và Trẻ em Indonesia cho biết chính phủ đang rất nỗ lực để tăng cường việc xét nghiệm trên toàn quốc.
Ngoài ra, một mối quan tâm khác cần được chú trọng là hơn một nửa số trẻ bị nhiễm bệnh từ chính cha mẹ. Do đó, các bậc phụ huynh cần được giáo dục về các quy trình y tế, như đeo khẩu trang, để họ không trở thành người mang mầm bệnh về nhà cho con cái họ, trong bối cảnh nhiều biện pháp hạn chế xã hội đã được nới lỏng ở nhiều nơi trên khắp cả nước.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Straitimes)