Một điểm chăm sóc những người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Italy. Ảnh: Reuters/VOV
Trước tình hình đó, chính quyền Italy hôm qua lên tiếng lo ngại về việc liệu hệ thống y tế nước này có thể đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19 trong bao lâu, khi số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tiếp tục tăng nhanh mỗi ngày.
Tính đến hiện tại, Italy là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19 và đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, xét về số ca nhiễm bệnh và tử vong.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết, chính phủ đang khẩn trương mua sắm thêm nhiều trang thiết bị bảo vệ hơn, và chú trọng đến việc hỗ trợ vùng Lombardy ở phía bắc, nơi virus SARS-CoV-2 bắt đầu xuất hiện 3 tuần trước.
“Ưu tiên của chúng tôi là giữ an toàn cho các bác sĩ, y tá và tất cả nhân viên y tế”, Thủ tướng Conte nói trong một tuyên bố.
Tuần trước, chính phủ Italy dự kiến sẽ thông qua gói các biện pháp hỗ trợ trị giá 25 tỷ euro (27,68 tỷ USD) để giúp đỡ các doanh nghiệp và người lao động chịu tác động từ dịch COVID-19.
Với 24.747 ca nhiễm và 1.809 ca tử vong tính đến hết ngày 15/3, tình trạng ở Italy là một ví dụ đáng báo động cho các quốc gia châu Âu khác vốn đã bắt đầu chứng kiến sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh trong những ngày gần đây.
Italy là quốc gia có dân số già nhất ở châu Âu, với gần 1/4 dân số từ 65 tuổi trở lên, khiến họ trở thành đối tượng đặc biệt dễ mắc phải căn bệnh chủ yếu giết chết người già.
Ông Bruno Borelli, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy nói rằng, vùng Lombarby có thể chuyển một số bệnh nhân sang các khu vực khác. Tuy nhiên, các hệ thống y tế ở vùng Lombardy và các khu vực khác như Emilia Romagna và Veneto tại tâm chấn của đợt bùng phát đã bị đẩy đến giới hạn.
“Số lượng ca bệnh đang tiếp tục tăng. Chúng tôi đang tiến gần đến thời điểm sẽ không còn đủ giường chăm sóc đặc biệt nữa”, thống đốc vùng Lombardy nói với đài truyền hình SkyTG24.
Italy là chính phủ đầu tiên ở châu Âu áp đặt các hạn chế trên toàn quốc để cố gắng kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2, ra lệnh đóng cửa các trường học, cửa hàng và các sự kiện thể thao, yêu cầu người dân ở trong nhà trừ trường hợp cần thiết.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)