|
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: AP
|
Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều quyết định quan trọng về các vấn đề toàn cầu sẽ được 2.500 nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế thế giới tập trung thảo luận, liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhấn mạnh sự hợp nhất của công nghệ vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động của con người.
Chương trình chính thức bao gồm nhiều cuộc thảo luận công khai, cũng như các cuộc họp kín được tổ chức từ ngày 20- 23/1 tại Davos, Thụy Sỹ.
Một số trong những vấn đề chính được chú trọng tại diễn đàn Davos là bảo mật thông tin, quá trình chuyển đổi năng lượng, các vấn đề về y tế, công nghệ và thách thức đổi mới, cũng như những triển vọng khác. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ cùng nhau tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giới và tăng thu nhập toàn cầu. Một số khu vực trên thế giới sẽ là tâm điểm chú ý bao gồm cả thế giới Ả Rập, Trung Quốc, Canada và Ấn Độ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, Thủ Tướng Anh David Cameron, Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz, và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius là một phần trong số rất nhiều chính trị gia tham gia sự kiện lần này.
Diễn đàn WEF cũng có sự tham gia của CEO đến từ các doanh nghiệp quốc tế và người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Phương tiện truyền thông thế giới đang mong đợi một bài phát biểu của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, người sẽ trả lời phỏng vấn các phương tiện truyền thông quốc tế lần đầu tiên kể từ khi Tehran chính thức thoát khỏi các lệnh trừng phạt hồi cuối tuần trước.
Đáng chú ý, WEF 2016 sẽ có sự xuất hiện lần đầu tiên của đại diện đến từ Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch vào đầu năm nay.