Thế giới

“Merry Christmas” - SMS đầu tiên trên thế giới được bán với giá 121.000 USD

ClockThứ Tư, 22/12/2021 12:49
TTH.VN - Năm 1992, Neil Papworth, một lập trình viên phần mềm 22 tuổi đến từ Anh, đã gửi tin nhắn văn bản đầu tiên từ máy tính cho một đồng nghiệp là Richard Jarvis.

SMS đầu tiên trên thế giới được “đóng gói” trong khung kỹ thuật số tại cuộc đấu giá ở Paris ngày 21/12/2021. Ảnh: EPA Photo

Với tư cách là nhà phát triển và kỹ sư thử nghiệm để tạo ra Dịch vụ tin nhắn ngắn (Short Messaging Service - SMS) cho công ty viễn thông Vodafone (Anh), Neil đã gửi đi tin nhắn văn bản đầu tiên trên thế giới vào ngày 3/12/1992, với nội dung đơn giản là “Merry Christmas” (“Chúc mừng Giáng sinh”). Vào thời điểm đó, ông Richard đã nhận được tin nhắn này trên chiếc điện thoại “Orbitel” nặng 2kg của ông - tương tự như điện thoại bàn nhưng không có dây và có tay cầm.

29 năm sau, tin nhắn văn bản này đã được bán với giá 107.000 euro (121.000 USD) dưới dạng “Non-Fungible Token” (NFT) trong một cuộc đấu giá ở Paris vào hôm qua (21/12/2021).

Non-Fungible Tokens, hoặc NFT, là một đơn vị dữ liệu được mã hoá trên blockchain, đại diện cho một loại tài sản duy nhất. NFT có thể được mua bán dựa trên công nghệ blockchain và đã trở nên vô cùng phổ biến với các nhà sưu tập trong những tháng gần đây, trong đó có những tác phẩm nghệ thuật NFT đã được bán với giá hàng chục triệu USD trong các cuộc đấu giá.

Được giao dịch từ khoảng năm 2017, các tài sản kỹ thuật số này, bao gồm hình ảnh, video, nhạc và văn bản, được lưu trữ trên blockchain, một bản ghi các giao dịch được lưu giữ trên các máy tính nối mạng. Mỗi NFT có một chữ ký điện tử duy nhất.

Nhà đấu giá Aguttes cho biết, việc mua bán hàng hóa vô hình là không hợp pháp ở Pháp, vì vậy, họ đã “đóng gói” tin nhắn văn bản này trong một khung kỹ thuật số, hiển thị mã và giao thức liên lạc ban đầu của SMS.

Người mua, là một công dân Canada hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, hiện là chủ sở hữu của một bản sao kỹ thuật số duy nhất của tin nhắn SMS đầu tiên dưới dạng NFT.

Nhà khai thác mạng di động Vodafone tiết lộ họ có kế hoạch quyên góp số tiền thu được từ việc bán NFT này cho Cơ quan Tị nạn của Liên Hiệp quốc.

Được biết, một năm sau khi Neil gửi đi tin nhắn văn bản đầu tiên, vào năm 1993, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Nokia (Phần Lan) đã giới thiệu tính năng SMS với tiếng “bíp” đặc trưng báo hiệu khi có tin nhắn đến.

Lúc đầu, tin nhắn văn bản có giới hạn 160 ký tự. Và rồi nhiều người bắt đầu muốn đưa thêm các biểu tượng cảm xúc, tạo động lực cho sự xuất hiện của “txt spk” - các biểu tượng được tạo thành từ các ký tự bàn phím nhằm thể hiện cảm xúc, chẳng hạn như LOL (cười thành tiếng). Những điều này sau đó đã truyền cảm hứng cho việc tạo ra các biểu tượng cảm xúc đầu tiên (các ký tự tượng trưng cho cảm xúc và ý tưởng của sự vật).

Đến năm 1999, bảy năm sau SMS đầu tiên, các tin nhắn văn bản kiểu này cuối cùng cũng có thể được trao đổi trên nhiều mạng, khiến chúng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Ngày nay, hàng triệu tin nhắn “Merry Christmas” đã được gửi đi bởi hàng triệu người trên khắp thế giới bằng đa dạng các thể loại, từ văn bản, biểu tượng cảm xúc, cho đến hình ảnh động, video…

“Vào năm 1992, tôi không tưởng tượng ra được việc nhắn tin sẽ trở nên phổ biến như thế nào, cũng như việc nó sẽ khởi nguồn cho sự xuất hiện của các biểu tượng cảm xúc và ứng dụng nhắn tin được hàng triệu người sử dụng… Rõ ràng, tin nhắn Giáng sinh mà tôi đã gửi là một cột mốc quan trọng trong lịch sử thiết bị di động”, ông Neil chia sẻ.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA & Dailysabah)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điện thoại "cục gạch" có thể sẽ hồi sinh

Hãng tin Reuters mới đây cập nhật, các nhà sản xuất điện thoại thông minh sẽ sớm phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh không ngờ tới: Sự hồi sinh của điện thoại cục gạch. Trong đó, mối lo ngại về tác động của phương tiện truyền thông xã hội đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng trở lại điện thoại di động Nokia kiểu cũ.

Điện thoại cục gạch có thể sẽ hồi sinh
Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD
COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
Return to top