Thế giới

Mỹ-Nhật-Ấn tập trận chung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc

ClockChủ Nhật, 18/10/2015 15:46
TTH.VN - Theo tin từ AFP, các tàu chiến hải quân, tàu sân bay và tàu ngầm của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ ngày hôm qua (17/10) đã tiến vào Vịnh Bengal, tham gia vào cuộc tập trận chung ngoài khơi bờ biển phía đông của Ấn Độ, dấu hiệu cho thấy mối quan hệ chiến lược ngày càng phát triển giữa 3 quốc gia khi phải đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các cuộc tập trận trên biển, một phần của cuộc tập trận kéo dài 6 ngày mang tên Malabar trên Vịnh Bengal ở Ấn Độ Dương, bao gồm đầy đủ các cuộc diễn tập hải quân, sự phối hợp quân sự và năng lực chống tàu ngầm cũng như triển khai huấn luyện cứu trợ và nhiều hoạt động khác, theo một tuyên bố chung.

Các lực lượng Mỹ-Nhật-Ấn trong cuộc tập trận hải quân chung ở Vịnh Bengal. Ảnh: AP.

Phía Mỹ đã triển khai hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt – một trong 11 hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, chở theo 70 chiến đấu cơ; một tuần dương hạm trang bị hỏa tiễn và một tàu ngầm nguyên tử cho cuộc tập trận thường niên này, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày mai (19/10).

“Ấn Độ và Nhật Bản đều là các đối tác mật thiết của Hoa Kỳ”, Đại Tá Craig Clapperton, hạm trưởng chỉ huy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cho biết. “Chúng ta có nhiều điểm tương đồng và có mối quan hệ kinh tế, quân sự, chính trị mật thiết và mối giao hảo tốt với cả Ấn Độ và Nhật Bản”.

Trong bối cảnh đó, một tờ báo nhà nước của Trung Quốc - tờ Thời báo Hoàn Cầu, lên tiếng cảnh báo Ấn Độ “đừng để bị lôi kéo vào một liên minh chống Trung Quốc”. Tờ báo này cho rằng, "mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ đang đi đúng hướng, và mối quan hệ lành mạnh sẽ có lợi cho cả 2 nước", "Ấn Độ nên cảnh giác với bất kỳ ý định tham gia vào việc chống Trung Quốc".

Gần như cùng lúc với cuộc tập trận hải quân chung đang tiến hành với Nhật Bản và Hoa Kỳ, bộ binh Ấn Độ cũng tham dự cuộc tập trận chống khủng bố với quân đội Trung Quốc tại vùng Tây Nam quốc gia này.

Trung Quốc từ trước tới nay vẫn lo ngại về các cuộc tập trận hải quân chung giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ, nhưng đặc biệt hơn vào lúc này, khi Bắc Kinh đang có nhiều tranh chấp với Nhật bản, Hàn Quốc và một số quốc gia vùng Đông Nam Á ở Biển Đông.

Cuộc tập trận Malabar năm nay được tổ chức trong bối cảnh kỳ vọng rằng, Hoa Kỳ có thể trực tiếp thách thức tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông bằng việc đưa tàu của Hải quân vào trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trên vùng biển này.

Các cuộc tập trận ban đầu là một tổ chức song phương giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ, nhưng vào năm 2015, Nhật Bản đã trở thành đối tác lâu dài của các cuộc diễn tập.

Bảo Nghi (lược dịch từ AP & PressTV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top