Thế giới

NATO cân nhắc về tương lai của sứ mệnh Afghanistan

ClockThứ Hai, 09/11/2015 14:30
TTH.VN - Các thành viên NATO đang xem xét cách thức tăng cường sứ mệnh đào tạo và hỗ trợ tại Afghanistan khi nỗi lo về năng lực của các lực lượng địa phương trong cuộc chiến chống lại một cuộc nổi dậy đang leo thang của các chiến binh Taliban, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức ở Brussels và Kabul cho biết sáng nay (9/11).

Việc Taliban tạm chiếm thành công thành phố phía bắc Kunduz vào cuối tháng 9 vừa qua và đóng đô trong nhiều ngày gây ra cú sốc cho các đối tác quốc tế của Afghanistan, những nước đã đầu tư hàng tỷ USD nhằm cố gắng tạo ra một lực lượng an ninh có khả năng tự chiến đấu.

"Tình hình khá nghiêm trọng chứ không ổn định như chúng tôi hy vọng", Đại tướng Hans-Lothar Domrose, một cựu chiến binh Afghanistan đồng thời cũng là Tư lệnh các lực lượng hỗn hợp NATO cho biết.


Lực lượng NATO ở hiện trường một vụ đánh bom tự sát ở Kabul, Afghanistan ngày 11/10/2015. Ảnh: Reuters

Phát biểu bên lề một cuộc tập trận của NATO ở Tây Ban Nha, Đại tướng Domrose cho rằng, chính sự kiểm soát lỏng lẻo của Chính phủ Afghanistan trong nhiều lĩnh vực và nạn tham nhũng khiến việc tăng cường an ninh trở nên khó khăn hơn, và nói thêm: "Nếu chúng ta không ở lại, đất nước này sẽ rơi vào tình trạng rối loạn và phải đối mặt với mối nguy hiểm đáng kể".

Bộ trưởng các nước NATO dự kiến sẽ gặp nhau vào đầu tháng 12 tới để quyết định về tương lai của chiến dịch Hỗ trợ quyết đoán (Resolute Support) - sứ mệnh phi chiến đấu do NATO dẫn đầu, được triển khai từ hồi tháng 1/2015 với mục đích đào tạo, tư vấn và hỗ trợ cho Chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan.

Về mặt hình thức, thỏa thuận NATO-Afghanistan là thoả thuận có kết thúc mở, nhưng trên thực tế, tương lai của sứ mệnh này phụ thuộc vào sự sẵn lòng của các nước thành viên trong việc điều động quân đội và các nguồn lực đến Afghanistan.

"Không thể hỗ trợ mãi..."

Các quan chức bày tỏ thái độ mệt mỏi và nghi ngờ về chiến lược của liên minh các nước thành viên NATO và các đồng minh sau thông báo của Washington về việc sẽ tiếp tục duy trì hàng ngàn binh sĩ Mỹ tại Afghanistan sau năm 2016 do tình hình an ninh nơi đây đang ngày càng xấu đi.

"Không ai hài lòng với sự tiến bộ hiện nay của lực lượng an ninh Afghanistan", một nhà ngoại giao NATO ở Brussels cho biết. "Lực lượng của liên minh không thể hỗ trợ mãi được... Hiện giờ, chúng tôi đang giúp họ nhiều hơn chúng tôi nghĩ".

Tuy nhiên, Reuters cho biết, không ai dự kiến ​​đề cập đến việc thay đổi nhiệm vụ như đề nghị các thành viên NATO sẽ gửi thêm quân tới Afghanistan hoặc quay lại chiến đấu.

Theo nguồn tin, hiện có chưa tới 14.000 binh sĩ liên quân trên cả nước, so với khoảng 140.000 quân hiện diện ở Afghanistan một vài năm trước đây.

Các kế hoạch cắt giảm số lượng quân trước đây đã được trì hoãn, và một số quốc gia thể hiện dấu hiệu cho thấy, họ sẽ duy trì quân số ở lại cùng với Hoa Kỳ.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tawab Ghorzang cho biết, Chính phủ Afghanistan rất hài lòng với sứ mệnh Hỗ trợ quyết đoán, vốn đã được chứng minh là "rất thành công". "Chúng tôi hy vọng rằng, các quốc gia thân thiết - nhất là nhiệm vụ RS, sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng tôi cho đến khi loại bỏ được các mối đe dọa khủng bố ở đất nước này", ông nói trong một tuyên bố.

Tuy nhiên, sau 14 năm chiến đấu, với hơn 3.000 binh sĩ liên minh thiệt mạng, các nước phương Tây đã không còn nhiều hào hứng đối với việc can thiệp quân sự sâu hơn ở Afghanistan. Mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định với các phóng viên rằng "sẽ không tiến hành một hoạt động chiến đấu mới ở Afghanistan".

"Tư vấn thiết thực"

"Tư vấn thiết thực là những gì chúng tôi cần", Đại tướng Domroese cho biết, và nói thêm rằng, lực lượng Afghanistan cũng cần được tăng cường hỗ trợ bằng cách cho tiếp cận nhiều hơn với tình báo và giám sát việc tổ chức lại dữ liệu theo quy định hiện hành.

Các quan chức Afghanistan đã nhiều lần mong muốn sự giúp đỡ trong các lĩnh vực như hỗ trợ trên không khi lực lượng quân đội nước này bị tấn công bởi quân Taliban, nhưng việc thiếu trang thiết bị và nhân sự được đào tạo đã làm những khó khăn trong việc hỗ trợ không quân.

Bên cạnh đó, một số quan chức phương Tây cũng bày tỏ sự hoài nghi về giá trị của một sứ mệnh mở rộng để hỗ trợ cho một lực lượng an ninh không hoạt động mà vẫn được trả lương, và thậm chí đôi khi còn sa ngã trước nạn tham nhũng.

"Sau 14 năm, bạn có thực sự nghĩ rằng, thêm 12 tháng sẽ có thể tạo nên sự khác biệt?" một quan chức phương Tây nghi ngại, và cho rằng, "chiến lược này là thiếu sót. Chúng tôi đang xây dựng và tài trợ cho một lực lượng quân đội sai lầm".

Theo nhận định của vị quan chức này, chính phủ Afghanistan không thể đủ khả năng để xây dựng một lực lượng an ninh có 352.000 quân – là sức mạnh mục tiêu của nó, hoặc thậm chí có quy mô nhỏ hơn nhiều. Hiện nay, cộng đồng quốc tế đang tài trợ cho hơn 90% chi phí điều hành lực lượng an ninh Afghanistan.

Nguồn tin cho biết, chiến dịch Hỗ trợ quyết đoán tập trung vào việc giúp tăng cường các hệ thống phức tạp như ngân sách, hậu cần, và tình báo, trong khi điều quan trọng về lâu dài chính là những thách thức cơ bản mà quân đội và lực lượng cảnh sát phải đối mặt. "Bạn không thể tập trung vào ngân sách nếu binh sĩ không có thức ăn," một nhà ngoại giao phương Tây ở Kabul nói.

Nhà ngoại giao trên cho rằng, một lực lượng chiến đấu gọn nhẹ hơn, nhanh nhẹn hơn với ít hơn nhu cầu hậu cần sẽ là là mô hình phù hợp hơn để chiến đấu chống lại các cuộc nổi dậy ở Kabul.

Tuy nhiên, những người khác vẫn bảo vệ mô hình lực lượng an ninh Afghanistan hiện nay, và nghĩ rằng sứ mệnh Hỗ trợ quyết đoán đang hướng đi đúng hướng.

 

Tố Quyên – Lê Thảo (lược dịch từ Reuters & AP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu

Kết quả của một nghiên cứu gần đây cho thấy, so với các quốc gia ở châu Âu, người dân ở Nam Bán cầu hài lòng hơn về mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này khiến các nhà nghiên cứu lên tiếng thúc giục lãnh đạo các quốc gia châu Âu hành động để giải quyết sự bất cập này càng sớm càng tốt.

Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu
Return to top