Gần 90% các giao dịch thuộc ngân hàng BPI (Philippines), ngân hàng lâu đời nhất Đông Nam Á được thực hiện theo hình thức kỹ thuật số. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Limcaoco nhận định, ngân hàng 170 năm tuổi thuộc sở hữu của Tập đoàn Ayala Corp đang đặt cược vào một bước nhảy vọt trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, khi công nghệ trở nên rẻ hơn và ngành điện chuyển sang các nhà máy thân thiện với môi trường hơn.
“Các nhà đầu tư và người cho vay đã nhận ra rằng, nhu cầu của xã hội ngày nay đang thực sự chuyển sang năng lượng tái tạo; và do đó, ngày càng ít người sẵn sàng tài trợ hoặc bảo hiểm cho các nhà máy than. Theo quan điểm của một giám đốc ngân hàng, đó là một rủi ro tín dụng”, ông Limcaoco nói thêm.
Được biết, BPI, ngân hàng được niêm yết lớn thứ 3 của Philippines về tài sản, đặt mục tiêu giảm 1/2 dư nợ cho vay đối với lĩnh vực than trong 5 năm, và cắt giảm xuống mức 0 vào năm 2032.
Đến khoảng năm 2025, Giám đốc Điều hành của ngân hàng BPI cho rằng, năng lượng tái tạo có thể cung cấp nguồn điện cơ bản theo cách tương tự như than, làm tăng thêm sự hấp dẫn của loại năng lượng này.
Bên cạnh đó, BPI sẽ bắt đầu tập trung vào những người đi vay và “hành vi bền vững” của họ, như vậy các nhà phát triển của những công trình xanh và người mua năng lượng sạch cuối cùng sẽ có thể được hưởng lãi suất thấp hơn như một ưu đãi.
Trong một tuyên bố ngày 19/6, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines, ông Benjamin Diacono cho biết, gần 3 tỷ USD trái phiếu xanh, xã hội và bền vững đã được các ngân hàng Philippines phát hành kể từ năm 2017, và ông hy vọng sẽ có thêm nhiều ngân hàng đi theo con đường đó.
Cũng theo ông Limcaoco, đầu tư vào công nghệ sẽ chiếm 10% doanh thu bắt đầu từ năm nay, từ mức bình thường là 7-9% hàng năm. Giám đốc Điều hành BPI nhận định, điều này sẽ cho phép ngân hàng tăng cường nền tảng kỹ thuật số cho các khách hàng bán lẻ và khách hàng quy mô vừa, đồng thời bảo vệ họ khỏi những vấn đề gian lận.
Trong khi đó, đợt phong toả nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 của quốc gia này, một trong những đợt phong toả dài nhất và nghiêm ngặt nhất trên thế giới, đã thúc đẩy việc xem xét lại chiến lược mở rộng của ngân hàng BPI.
Ông Limcaco cho hay, với lượng khách đến giao dịch tại các chi nhánh giảm 70%, BPI có kế hoạch thu hẹp các chi nhánh truyền thống từ 15-20% trong vòng 18 tháng tới. Đáng chú ý, gần 90% các giao dịch ngân hàng hiện nay được thực hiện theo hình thức kỹ thuật số, con số này tăng từ mức 60% trước đại dịch.
Lê Thảo (Lược dịch từ Bloomberg & Businesshala)