Chương trình tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu ở Thụy Sĩ và Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong khuôn khổ chương trình Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 9/10, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã phối hợp với Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) tổ chức Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ 2021.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ 2021 lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu ở Thụy Sĩ và Việt Nam.
Tham gia chương trình từ đầu cầu Bern, bà Anjuska Weil, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ-Việt Nam cho biết quan hệ nhân dân giữa hai nước được hình thành từ rất sớm khi các doanh nhân của Thụy Sĩ đến làm ăn, thành lập công ty tại Việt Nam thời Pháp thuộc.
Bà Weil đã tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam và là một người bạn Thụy Sĩ thân quen của Việt Nam với rất nhiều hoạt động thiện nguyện ngay từ những năm 1960.
Thời gian đầu, Hội tập trung vào việc cung cấp thông tin chính xác về đất nước Việt Nam bị cô lập và thúc đẩy tình hữu nghị giữa người Thụy Sĩ và nhân dân Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển và củng cố quan hệ của các cơ quan công quyền Thụy Sĩ với Việt Nam trên bình diện văn hóa, kinh tế và chính trị trên cơ sở chung sống hòa bình.
Hội đã thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam thông qua việc huy động sự đóng góp hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho người dân Việt Nam và giúp Việt Nam khắc phục những hậu quả do 30 chiến tranh của Mỹ để lại.
Nhận định về tiềm năng hợp tác Việt Nam-Thụy Sĩ trong lĩnh vực khoa học Công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số - một điểm sáng được kỳ vọng trong quan hệ hợp tác hai nước thời gian tới, Tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn, Chủ tịch Hội Chuyên gia tri thức Việt Nam tại Thụy Sĩ, cho rằng Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ bổ sung cho nhau rất tốt trong hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Mặc dù có khác biệt về mức độ phát triển, cơ cấu kinh tế, nhưng giữa 2 quốc gia có nhiều mục tiêu tương đồng, đều coi trọng phát triển bền vững qua các chiến lược giáo dục, bảo vệ môi trường, tài nguyên và bảo mật thông tin, xây dựng chính phủ số, khai thác nền kinh tế số và cùng đặt mục tiêu con người là trung tâm của sự phát triển.
Sự triển khai cơ sở hạ tầng số và ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, nguồn nhân lực của Việt Nam được đào tạo và thực nghiệm ngày càng nhiều, trong khi đó Thụy Sĩ rất mạnh trong xây dựng các quy trình hay tính ứng dụng thực tiễn.
Do vậy, hai nước hoàn toàn có thể hỗ trợ bổ sung cho nhau về nguồn nhân lực và ứng dụng thực tiễn.
Có thể nói một cách ngắn gọn: Thụy Sĩ là chất lượng, Việt Nam là số lượng. Và cả hai cùng một mục tiêu phát triển hài hoà, bền vững và đều có năng lực thực hiện.
Ông Toàn tin tưởng rằng hai nước Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ trở thành đối tác chiến lược tin cậy trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong khi đó, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ Philipp Rosler, hiện sinh sống và làm việc tại Zurich, cam kết sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ-Đức, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Âu.
Chia sẻ với Chương trình, ông Philipp Rosler, cho rằng việc được bổ nhiệm làm lãnh sự danh dự đầu tiên của Việt Nam tại Thụy Sĩ là vinh dự to lớn, là nghĩa vụ và cơ hội được tri ân đất nước nơi ông được sinh ra.
Hơn thế nữa, ông coi đây là số phận của mình. Về cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, ông nhấn mạnh yếu tố quan trọng hàng đầu là Việt Nam có lực lượng lao động cần cù, có kỹ năng, được đào tạo bài bản và đó là động lực cho nền kinh tế.
Từ góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia và những điểm tương đồng thì Việt Nam luôn là nơi tốt nhất để đầu tư bởi chính lực lượng lao động này.
Tham gia tại điểm cầu Geneva, Luật sư Pierre Schifferli, người đã chứng kiến và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ từ những ngày đầu mới thiết lập ngoại giao, từng làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh từ những năm 1970, chia sẻ những kỷ niệm gắn bó với Việt Nam và chặng đường phát triển quan hệ Việt Nam-Thụy Sĩ trải dài suốt nửa thế kỷ.
Ông Schifferli là người bạn thân thiết từ nhiều năm qua của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva và đã có nhiều đóng góp cho quá trình hoạt động của Phái đoàn đặc biệt trong dự án xây dựng Trụ sở Phái đoàn năm 2015.
Bà Micheline Leuteurt, phu nhân của cựu Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Jürg Leutert (1995-2000), đã chia sẻ những kỷ niệm đẹp nhất của mình trong giai đoạn này và lý giải việc đưa ra ý tưởng thành lập Nhóm Phu nhân Đại sứ Pháp ngữ tại Hà Nội.
Bà Leutert đã cùng nhóm tổ chức nhiều hoạt động vận động ủng hộ trẻ em nghèo vùng cao của Việt Nam. Bà cùng chồng đã có đóng góp quan trọng cho việc đưa những công ty lớn của Thụy Sĩ đầu tư ở Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hai nước.
Chia sẻ với Chương trình, ông Blaise Matthey đã nêu ra một số điểm mạnh và kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp Geneva và Thụy Sĩ mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo.
Trong bối cảnh còn nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19, Việt Nam và Thụy Sĩ cần tìm ra phương thức hợp tác mới giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững.
Ông Matthey là Giám đốc Hội Doanh nghiệp các bang nói tiếng Pháp tại Thụy Sĩ và là Tổng Thư ký của FER. Ông cũng là thành viên các ủy ban của Economiesuisse và Hiệp hội Người sử dụng lao động Thụy Sỹ (UPS).
Ông Felix Urech, Giáo sư Đại học Geneva về quản trị kinh doanh và là Giám đốc điều hành Enrich Company cũng có những đánh giá về sự thay đổi hình ảnh của Việt Nam thời gian qua, đồng thời nêu một số lý do và những ưu đãi từ Việt Nam có thể khiến các công ty nước ngoài quyết định chọn Việt Nam để đầu tư.
Ngoài ra, còn có nhiều vị khách mời khác cũng tham gia trực tuyến sự kiện như ông Yannick Roulin, Phó Trưởng Phái đoàn Thụy Sỹ tại Geneve, ông Jacques Jeannerat-nguyên Giám đốc Phòng Thương mại, công nghiệp và dịch vụ bang Geneva...
Chương trình Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ 2021 chào đón nhiều khách mời văn hóa tiêu biểu, nhiều trí thức, chính trị gia, doanh nhân, nghệ sỹ, đại diện cộng đồng đến từ Việt Nam và Thụy Sĩ với 5 phần chính: "Xin chào Thụy Sĩ! Xin chào châu Âu!," "Văn hóa cội nguồn," "Việt Nam diệu kỳ," "Các thế hệ tương lai" và "Hẹn gặp tại Việt Nam."
Đại sứ-Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai tham gia Chương trình tại đầu cầu Geneva, còn Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan tại điểm cầu Bern cùng tham gia sự kiện và cùng gửi các thông điểm từ Thụy Sĩ.
Đây là sự kiện quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Thụy Sĩ.
Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên được tổ chức theo phương thức trực tuyến là minh chứng sống động của tinh thần đổi mới sáng tạo trong triển khai ngoại giao văn hóa thời kỳ đại dịch COVID-19, một hành động biến thách thức thành cơ hội nhằm duy trì nhịp cầu kết nối đầy ý nghĩa, thể hiện sức sống mãnh liệt của mối quan hệ hữu nghị lâu dài và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Thông qua các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, những thước phim ấn tượng và nhiều chia sẻ thú vị của các khách mời, Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ 2021 không chỉ giới thiệu về mối quan hệ hữu nghị, sống động giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong 50 năm qua, mà còn được tìm hiểu về cảnh đẹp đặc trưng, văn hóa, con người của hai nước để có những trải nghiệm chân thực và thú vị.
Kết thúc chương trình, các khách mời bày tỏ ấn tượng hết sức tốt đẹp, đánh giá cao Chương trình Ngày Việt Nam tại Thụy Sĩ đã được tổ chức sáng tạo, công phu, truyền tải nhiều thông điệp đầy ý nghĩa.
Đây cũng là dịp để nhân dân hai nước chia sẻ, kết nối nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (10/1971-10/2021)./.
Theo Vietnam+