Người dân Hongkong tìm mọi cách để tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây nhiễm virus COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/Thanh Niên
Tại một trong những thành phố đông dân nhất trên trái đất, khẩu trang được xem là một trong những tài sản đắt giá khi người dân đang tranh giành để tự bảo vệ chính mình khỏi nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Suốt thời gian vừa qua, những hàng dài người vẫn kiên nhẫn xếp hàng phía ngoài các tiệm thuốc khi có thông báo có nguồn khẩu trang dự trữ. Tuy nhiên, con số này là không đủ.
Do đó, mặc dù vấn đề chất lượng vẫn còn là một dấu hỏi lớn, song một số cá nhân đã chuyển sang tự làm khẩu trang.
“Tôi đã tìm ra một số nguyên liệu như khăn tay, một số loại vải không dệt và tôi đã tự kết hợp chúng với dây thun... để làm thành khẩu trang”, một nữ công dân Hongkong trả lời báo giới AFP cho hay.
Hoạt động tự may khẩu trang một phần cũng được thúc đẩy bởi chi phí mua khẩu trang tăng bất ngờ, nhất là tại Macau và Đài Loan. Cụ thể, một hộp 50 khẩu trang y tế đơn giản bị đội giá lên đến 300HKD (40USD), trong khi loại khẩu trang chất lượng hàng đầu thời điểm hiện tại là N95 thậm chí còn được bán với mức giá cao hơn gấp nhiều lần, khoảng 1.800HKD.
Trong một diễn biến có liên quan, bị shock bởi giá khẩu trang quá cao, một nhà đạo diễn họ Tong cho biết anh đã thực hiện một số nghiên cứu và nhận ra rằng không khó để sản xuất khẩu trang y tế. Vậy vì sau người dân Hongkong vẫn phải mua sản phẩm này với mức giá quá cao? Câu trả lời là do hiện Hongkong vẫn chưa có dây chuyền sản xuất khẩu trang.
Với sự giúp đỡ của một nhà đầu tư, anh Tong quyết định nhập một máy làm khẩu trang từ Ấn Độ, kế hoạch sắp tới sẽ tăng số lượng máy nhập về.
Mặc dù vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, song thiết bị có khả năng làm ra đến 60-80 khẩu trang y tế/phút.
Nếu bán ra thị trường, mỗi khẩu trang sẽ có giá 1-2 HKD/chiếc và chỉ giới hạn tối đa mỗi người một hộp, anh Tong cho hay.
Được biết, trong bối cảnh Hongkong chứng kiến tình trạng thiếu hụt khẩu trang nghiêm trọng, nhiều người đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi một đất nước đã mất đi 299 sinh mạng trong đại dịch SARS hồi năm 2003 lại không có sự chuẩn bị tốt hơn.
Chuyên gia y tế cộng đồng của Đại học Khoa học và Công nghệ Hongkong Joseph Kwan khẳng định: “Ở một nơi như Hongkong, các loại virus mới sẽ lây lan nhanh như “cháy rừng” nếu không một ai đeo mặt nạ. Đó sẽ là thảm họa về sức khỏe cộng đồng”.
Đan Lê (Lược dịch từ AFP)