Thế giới

Nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 gia tăng sau khi nhiễm COVID-19

ClockThứ Năm, 24/03/2022 11:45
TTH.VN - Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa Lancet Diabetes & Endocrinology số ra ngày 21/3, trong một năm kể từ khi được chẩn đoán nhiễm COVID-19, những người này có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn những người không nhiễm COVID-19.

Malaysia: Phần lớn số ca tử vong do COVID-19 liên quan đến bệnh tiểu đường và cao huyết áp

Các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 cao hơn những người không nhiễm COVID-19. Ảnh mình hoạ: AFP/TTXVN

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Chăm sóc y tế St.Louis đã sử dụng dữ liệu từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) để theo dõi hơn 181.000 người trưởng thành mắc COVID-19 trong một năm sau khi phục hồi. So sánh những bệnh nhân này với hơn 8 triệu người không bị nhiễm coronavirus, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số 1.000 người, số người mắc bệnh tiểu đường trong nhóm bệnh nhân COVID-19 trong vòng 12 tháng sau đó cao hơn 13 trường hợp so với nhóm không nhiễm COVID-19. Nhóm nhiễm COVID-19 cũng có thêm 12 người/1.000 người bắt đầu dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường. 

Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Ziyad Al-Aly, ước tính những người mắc COVID-19 có tới 46% khả năng phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 lần đầu tiên hoặc phải được kê thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu. Nhìn chung, cứ 100 người mắc COVID-19 thì có 2 người mắc bệnh tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết. Tiểu đường tuýp 2 có thể gây tổn thương thận, dây thần kinh, mạch máu và tim, cùng nhiều tác động khác.

Chuyên gia Al-Aly cũng cho biết nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn rõ ràng ngay cả ở những người bị COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng và đối với cả ở những người không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác của bệnh tiểu đường trước đó. Đáng chú ý, nguy cơ tiềm ẩn ở mọi nhóm người bệnh như phụ nữ, sắc tộc thiểu số, thanh niên và những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) khác nhau.

Trong một nghiên cứu riêng biệt trên 35.865 người từng nhiễm COVID-19 được công bố trên tạp chí Diabetologia vào tuần trước, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường ở nhóm này cao hơn 28% so với nhóm bị nhiễm trùng đường hô hấp trên nhưng không phải COVID. 

Gần như tất cả các ca mắc mới trong cả hai nghiên cứu trên đều là tiểu đường tuýp 2 - chứng bệnh đôi khi có thể được kiểm soát bằng cách giảm cân và thay đổi chế độ ăn uống. 

Các tác giả đều khuyến cáo những người sống sót sau COVID-19 có các triệu chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như khát nước hoặc đi tiểu thường xuyên nên chủ động đi khám.

* Cấy ghép nội tạng từ người hiến tạng nhiễm COVID-19 có thể an toàn

Cũng trong thông tin liên quan đến người nhiễm COVID-19, Reuters đưa tin nói rằng nội tạng từ những người hiến tạng tử vong do đang mắc COVID-19 hoặc từng mắc trước đó có thể “an toàn” để sử dụng trong các ca cấy ghép tạng. Thông tin này dự kiến sẽ được các nhóm chuyên gia cấy ghép từ Mỹ và Italy báo cáo tại Hội nghị thường niên Vi sinh lâm sàng và Bệnh nhiễm nhiễm châu Âu (ECCMID) diễn ra từ 23/3-26/3 tại Lisbon (Bồ Đào Nha).

Reuters dẫn thông tin từ Tiến sĩ Cameron Wolfe và Tiến sĩ Emily Eichenberger, thuộc Trung tâm Y tế Đại học Duke ở Bắc Carolina, khuyên rằng chỉ nên sử dụng phổi hoặc ruột nếu người hiến tạng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus lần cuối hơn 20 ngày trước đó. Trong khi đó, các cơ quan nội tạng khác có thể được an toàn cấy ghép nếu virus không phải nguyên nhân gây tử vong cho người hiến tạng và người này không bị đông máu quá mức.

“Mặc dù còn hạn chế, nhưng kinh nghiệm đến nay của chúng tôi ngày càng đồng thuận với việc sử dụng các cơ quan trong ổ bụng từ những người hiến tạng dương tính với COVID-19 là an toàn và hiệu quả, ngay cả ở những người mắc bệnh phổi do COVID-19”, Tiến sĩ Eichenberger – tác giả của nghiên cứu, cho biết. Cũng theo Tiến sĩ Eichenberger, tổng cộng 20 ca cấy ghép như vậy đã được thực hiện thành công.

Trong khi đó, Giáo sư Paolo Grossi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Đại học Insubria ở Varese, Italy và các đồng nghiệp cũng đã thực hiện các ca cấy ghép gan, tim và thận từ những người hiến tạng dương tính với SARS-CoV-2. 

Giáo sư Grossi cho rằng việc sử dụng nội tạng của những người đang hoặc từng nhiễm COVID-19 sẽ giúp tăng đáng kể số lượng người có thể hiến tạng.

Tuy nhiên, nghiên cứu về việc cấy ghép nội tạng từ những người hiến tạng nhiễm COVID-19 vẫn đang ở giai đoạn đầu và cần có các nghiên cứu sâu hơn từ các trung tâm khác nhau trên toàn thế giới để xác nhận hiệu quả của những phát hiện sơ bộ này.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Dailymail)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19

Hãng tin CNBC ngày 3/9 đưa tin, theo kết quả của một loạt nghiên cứu được Tạp chí Journal of the American College of Cardiology (JACC) - tờ tạp chí tim mạch uy tín nhất của Mỹ thực hiện, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người sử dụng thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy ít đối diện với nguy cơ tử vong vì COVID-19 hoặc bị tác dụng phụ từ loại virus này.

Thuốc giảm cân hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong vì COVID-19
WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 7/8 đã lên tiếng cảnh báo khi các ca nhiễm COVID-19 đang tăng vọt trên toàn thế giới - bao gồm cả ở Thế vận hội Paris đang diễn ra, và gần như khó có thể suy giảm trong thời gian tới. Cơ quan này cũng lo ngại rằng các biến thể nghiêm trọng hơn của virus SARS-CoV-2 có thể sẽ sớm xuất hiện và lây lan.

WHO cảnh báo sự quay trở lại đáng lo ngại của COVID-19
Giúp 1.000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững

Ngày 20/7, Hội Chữ Thập đỏ (HCTĐ) tỉnh, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn tại Thừa Thiên Huế". Tham dự có bà Caroline Rachel Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam.

Giúp 1 000 nữ nông dân nghèo phục hồi, phát triển sinh kế bền vững
Return to top