Ngày 13/4, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép xả nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển, đồng thời cam kết đảm bảo nước thải này luôn ở mức an toàn. Quyết định này được đưa ra hơn một thập kỷ sau các sự cố liên tiếp ở nhà máy này do thảm họa động đất và sóng thần gây ra hồi tháng 3/2011.
Phát biểu tại cuộc họp với nội các, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh việc xả nước thải đã qua xử lý là một vấn đề tất yếu trong quá trình phá dỡ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, đồng thời cam kết nỗ lực hết sức để đảm bảo nước thải đủ an toàn.
Theo Thủ tướng Suga, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các bên thứ ba sẽ tham gia vào kế hoạch này để đảm bảo kế hoạch được thực hiện một cách minh bạch.
Sau thảm họa năm 2011, nước được bơm vào các lò phản ứng đã bị hư hại tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 để làm mát các thanh nhiên liệu. Cùng với nước mưa và nước ngầm bị nhiễm xạ, nước thải sau quá trình làm mát ở các lò phản ứng được xử lý bằng Hệ thống Xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS).
ALPS giúp loại bỏ phần lớn các chất phóng xạ, trong đó có strontium và cesium, nhưng không thể loại bỏ tritium. Tại thời điểm hiện nay, có hơn 1,25 triệu tấn nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn còn chứa phóng xạ đang được lưu trữ trong các bể chứa tại nhà máy.
Theo kế hoạch, nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 sẽ được pha loãng để giảm nồng độ phóng xạ xuống còn 1.500 becquerel/lít, tương đương 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với nước uống, trước khi được xả ra biển. Việc xả nước thải này ra biển sẽ được thực hiện trong khoảng 2 năm.
Trước đó, đơn vị vận hành Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết vào mùa Thu năm 2022, lượng nước thải ra sẽ vượt quá sức chứa của các bể chứa. Vì vậy, TEPCO đề nghị Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng tìm cách xử lý lượng nước thải này.
Tháng 2 năm ngoái, một tiểu ban của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã đưa ra kết luận rằng việc xả ra biển hoặc làm nước bốc hơi là hai phương án khả thi nhất để giải phóng nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân này. Tuy nhiên, phương án xả ra biển có tính khả thi hơn về mặt kỹ thuật./.
Theo Vietnam+