Người Nhật đeo khẩu trang trước nỗi lo dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng. Ảnh: Reuters
Đến sáng nay, số ca nhiễm COVID-19 mới được báo cáo ở tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn của vụ dịch, lại tăng lên sau 2 ngày sụt giảm, với 1.933 ca nhiễm mới, và có 100 trường hợp tử vong được ghi nhận.
Trên khắp Trung Quốc đại lục, các quan chức cho biết tổng số ca nhiễm là 70.548 người (tăng thêm 2.048 trường hợp), và tổng số ca tử vong là 1.770 người.
Gần 90% số ca nhiễm mới là ở Vũ Hán, thành phố có 11 triệu người – được cho là nơi virus xuất hiện đầu tiên từ một chợ buôn bán trái phép động vật hoang dã vào cuối năm ngoái.
Bên ngoài Trung Quốc đại lục, hơn 500 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận, chủ yếu ở những người đi từ các thành phố của Trung Quốc, với 5 trường hợp tử vong tính đến thời điểm hiện tại, bao gồm các ca tử vong ở Nhật Bản, Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan và Pháp.
COVID-19 được cho là có thời gian ủ bệnh 14 ngày, và đã buộc hàng ngàn người phải cách ly trên toàn thế giới.
Tàu Carnival Corp Diamond Princess ở Yokohama với 3.700 hành khách và phi hành đoàn, đã được cách ly kể từ ngày 3/2. Khoảng 355 người trên tàu đã cho kết quả dương tính với căn bệnh này, và đến nay được xem là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
Được biết, những người mắc bệnh đã được đưa đến các bệnh viện ở Nhật Bản và chưa có trường hợp nào tử vong. Khoảng một nửa số khách trên tàu đến từ Nhật Bản.
Những lo ngại về căn bệnh truyền nhiễm này làm tăng khả năng ban tổ chức sẽ cắt giảm số lượng người tham gia vào cuộc thi Tokyo Marathon dự kiến diễn ra vào tháng tới.
Theo đánh giá, thiệt hại liên quan đến virus Corona đối với nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ xuất hiện trong quý I này, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn đã bị sụt giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ quý II/2014.
Trong khi đó, Singapore – quốc gia phụ thuộc vào thương mại, đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 và chuẩn bị công bố các biện pháp nhằm giảm bớt những tổn thất từ dịch bệnh này vào ngày mai (18/2). Cuối tuần trước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thừa nhận có khả năng nước này phải đối mặt với suy thoái kinh tế trong năm nay.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, Trung Quốc cần khẩn trương trở lại làm việc. Nhưng một số thành phố vẫn bị phong toả, đường phố vắng tanh, nhân viên lo lắng, lệnh cấm du lịch và lệnh kiểm dịch được thực hiện trên khắp đất nước.
Nhiều nhà máy vẫn chưa mở lại, làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và nhiều nước khác, từ các nhà sản xuất điện thoại thông minh cho đến các nhà sản xuất xe hơi.
Được biết hôm nay, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn, một động thái dự kiến sẽ mở đường cho việc giảm lãi suất cơ bản vào ngày 20/2 tới, nhằm giảm chi phí vay cho các công ty bị tác động với sự bùng phát của COVID-19.
Bắc Kinh cũng đã công bố kế hoạch triển khai cắt giảm thuế và phí theo mục tiêu và theo giai đoạn để giúp đỡ các doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, nhiều nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại và cơ quan xếp hạng Moody's hôm nay đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc xuống còn 5,2%, thấp hơn 0,5% so với mức tăng trưởng 5,7% mà Trung Quốc sẽ cần đạt được trong năm nay để đáp ứng mục tiêu dài hạn là tăng gấp đôi GDP trong một thập kỷ tính tới năm 2020, theo một nhà kinh tế cho biết.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)