Các nhà lãnh đạo G20 trong một phiên thảo luận trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN
Đây là những vấn đề ưu tiên sẽ thiết lập nên chương trình nghị sự hàng đầu của các Nhóm công tác (WG) và các Nhóm cam kết (EG) của Hội nghị quan chức cấp cao Sherpa. Nhằm tạo điều kiện cho 3 vấn đề nói trên, Indonesia đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung, bao gồm Bộ Y tế và Bộ Tài chính của quốc gia này; với mục tiêu đảm bảo sự phục hồi sau đại dịch COVID-19, và duy trì sự cảnh giác đối với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai bằng sự phối hợp sâu rộng trên toàn cầu.
Ngoài ra, các hội nghị về những vấn đề phi kinh tế cũng sẽ được tổ chức, chẳng hạn như năng lượng, phát triển, du lịch, nền kinh tế số, giáo dục, lao động, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, công nghiệp, y tế, nỗ lực chống tham nhũng, tính bền vững và biến đổi khí hậu, cùng các vấn đề khác.
Về công tác chuẩn bị, ông Susiwijono Moegiarso, Thư ký của Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, Trưởng Ban Thư ký Hội nghị quan chức cấp cao Sherpa và Hội nghị Đường lối Tài chính cho biết, sẽ có 441 sự kiện được tổ chức trong năm Chủ tịch G20 của Indonesia. Trong đó có 184 sự kiện chính, bao gồm 1 hội nghị thượng đỉnh, 20 cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, bên cạnh khoảng 257 sự kiện bên lề và các “Sự kiện Con đường đến G20 Indonesia”.
Đáng chú ý, các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh đảm bảo rằng, các cuộc họp G20 và những sự kiện liên quan sẽ bao gồm các quy định y tế nghiêm ngặt, và sử dụng hệ thống “bong bóng y tế”. Trong một thông cáo báo chí, ông Susiwijono Moegiarso khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiến hành tất cả cuộc họp trong lịch trình của nhiệm kỳ Chủ tịch G20 Indonesia cùng với việc áp dụng các quy định y tế nghiêm ngặt”.
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Indonesia sẽ tập trung nỗ lực vào việc điều phối các chính sách toàn cầu vì một trật tự thế giới công bằng, tạo ra một G20 thích ứng hơn với các cuộc khủng hoảng và ủng hộ lợi ích quốc gia trên các diễn đàn toàn cầu.
Được biết, G20 đã được thành lập vào năm 1999, với 20 nền kinh tế thành viên là Mỹ, Argentina, Brazil, Australia, Canada, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Saudi Arabia, Nam Phi, Italy, Pháp, Nga, và Liên minh châu Âu (EU).
THANH NGÂN
(Lược dịch từ The Jakarta Post & G20.org)