Thế giới
Đông Nam Á:

Nhiều kỳ vọng từ điện gió ngoài khơi trong quá trình chuyển đổi năng lượng

ClockChủ Nhật, 07/05/2023 08:26
TTH.VN - Trong một bài viết của ông Cedric Chatel, Giám đốc điều hành về năng lượng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty dịch vụ tài chính Societe Generale, vừa được đăng tải trên Tạp chí The Business Times của Singapore, quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch của khu vực Đông Nam Á sẽ đòi hỏi sự đầu tư vào năng lượng tái tạo ở một quy mô chưa từng có.

G7 nhất trí thúc đẩy việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạchLiên minh châu Âu nhất trí đẩy nhanh cải cách thị trường điệnNhu cầu khí đốt tự nhiên của ASEAN sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050

leftcenterrightdel
 Các tua bin điện gió của một nhà máy điện gió ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), để theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ cần lắp đặt thêm từ 2.770 - 3.400 gigawatt (GW) công suất điện tái tạo để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong khi đó, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu hiện nay chỉ đang ở mức 2.352 GW. Điều này cho thấy một khoảng trống rất lớn sẽ cần được lấp đầy. “Tuy nhiên, quy mô của thách thức này cũng là một cơ hội để phát triển các nguồn năng lượng mới và bền vững, trong đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng đồng thời với việc cắt giảm khí thải”, ông Cedric Chatel nhận định.

Năng lượng gió ngoài khơi có lẽ là công nghệ năng lượng sạch có khả năng mở rộng nhất ở phần lớn Đông Nam Á, đặc biệt là ở các quốc gia có đường bờ biển dài và nơi có quỹ đất tương đối khan hiếm đối với hoạt động lắp đặt năng lượng mặt trời quy mô tiện ích. Đối với hoạt động phát điện, năng lượng gió ngoài khơi có xu hướng ổn định hơn so với năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió trên bờ.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2022, riêng Philippines đã có 178 GW tiềm năng điện gió kỹ thuật ngoài khơi. Trong một kịch bản tăng trưởng cao, quốc gia này có thể tạo ra 21 GW từ điện gió ngoài khơi vào năm 2040, so với chỉ 0,44 GW điện gió được lắp đặt trên bờ tính đến năm 2020.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến việc mở rộng quy mô ngành điện gió ngoài khơi, sau khi triển khai một số dự án thí điểm. Theo một nghiên cứu năm 2021 của Tổ chức Tài chính Quốc tế và WB, điện gió ngoài khơi có thể cung cấp 12% điện năng của Việt Nam vào năm 2035.

“Đã đến lúc để công nghệ này đóng vai trò trong quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực Đông Nam Á”, tác giả của bài viết khẳng định; đồng thời chỉ ra 3 yếu tố để thiết lập năng lượng gió ngoài khơi trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của khu vực.

Một hệ sinh thái có khả năng mở rộng

Quy mô của các dự án điện gió ngoài khơi khiến những dự án này trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Mặc dù việc bảo trì và lắp đặt trên biển có thể tốn kém, nhưng sức mạnh tổng hợp về chi phí của một trang trại điện gió ngoài khơi lớn sẽ cho phép công nghệ này trở nên có tính cạnh tranh.

Kể từ khi các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên được tài trợ cách đây hơn 10 năm, các nhà tài trợ vốn cổ phần đã xây dựng được thành tích về lợi nhuận chắc chắn và ổn định, qua đó khuyến khích họ hỗ trợ các dự án mới.

Do đó, các chuyên gia về năng lượng tái tạo toàn cầu hiện đã thiết lập một hệ thống mạnh mẽ các dự án ở Bắc Á, và cũng đang tìm cách mang kiến thức chuyên môn này đến phần còn lại của khu vực.

Cụ thể, Copenhagen Infrastructure Partners, một công ty đầu tư chuyên về đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng gió; cùng với Nexif Energy, một công ty có trụ sở tại Singapore sở hữu và vận hành các trang trại gió và dự án năng lượng tái tạo khác, cũng như các công ty khác đang tham gia vào lĩnh vực này.

Hệ sinh thái điện gió ngoài khơi đang phát triển của khu vực châu Á cũng có thể mang lại lợi ích cho Đông Nam Á. Trong khi đó, Đông Nam Á cũng có nhiều nhà thầu hàng hải chuyên nghiệp, có thể thích nghi với việc lắp đặt và bảo trì các tua bin, và cơ sở hạ tầng cảng cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với các yêu cầu bảo trì liên tục.

Hỗ trợ tài chính

Khả năng tiếp cận tài chính cũng sẽ đóng vai trò rất cần thiết. Các ngân hàng và các tổ chức đầu tư đã cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ đến các dự án năng lượng tái tạo trên khắp khu vực, và cộng đồng đầu tư ở Đông Nam Á cũng đang phát triển nhanh chóng.

Singapore, với tư cách là một trung tâm đầu tư khu vực, có thể cung cấp thêm kiến thức chuyên môn từ nhiều đối tác tài chính khác nhau, từ các ngân hàng phát triển đa phương cho đến các văn phòng gia đình.

Một ví dụ là Clime Capital có trụ sở tại Singapore, công ty này đang quản lý các khoản đầu tư năng lượng sạch thay mặt cho một nhóm các nhà đầu tư từ thiện, và đang hỗ trợ một nghiên cứu khả thi nhằm phát triển 3 GW điện gió ngoài khơi tại Philippines.

Khao khát đổi mới sáng tạo

Yếu tố cuối cùng chính là công nghệ. Khu vực Đông Nam Á đã cho thấy khả năng trong việc nắm bắt các công nghệ đổi mới sáng tạo không phát thải, chẳng hạn như năng lượng mặt trời nổi, và những tiến bộ gần đây về các tua bin gió mang đến cho các quốc gia trong khu vực cơ hội để vượt qua những thị trường khác một cách hiệu quả, bằng cách lựa chọn những giải pháp hiện đại và hiệu quả nhất.

Điện gió nổi ngoài khơi là biên giới tiếp theo đối với lĩnh vực năng lượng sạch. Đúng như tên gọi, các tua bin nổi như một chiếc phao trên bề mặt đại dương, có nghĩa là chúng có thể được đặt ở các vùng nước sâu hơn nhiều so với những tua bin đáy cố định thông thường. Điều này cho phép các trang trại điện gió ngoài khơi được đặt ở những khu vực có gió mạnh hơn, và ổn định hơn, đồng thời giảm thiểu những lo ngại xung quanh sự gián đoạn đối với giao thông hàng hải gần bờ.

Công ty Societe Generale đã giúp chứng minh khái niệm này vào năm 2022, với việc cấp vốn thành công cho dự án thương mại đầu tiên tại Pháp; trong khi đó, một số dự án điện gió nổi ngoài khơi quy mô công nghiệp đang được chuẩn bị ở khu vực Bắc Á.

Theo ông Cedric Chatel, mỗi dự án năng lượng đều khác nhau và tất cả đều phức tạp. Tuy nhiên, tinh thần kinh doanh của khu vực Đông Nam Á, cùng với khả năng tiếp cận tài chính và quy mô của các cơ hội chính là những nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Với những điều kiện phù hợp, lĩnh vực điện gió ngoài khơi có thể giúp châu Á vạch ra lộ trình hướng tới một tương lai ít carbon.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Business Times)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đông Nam Á cho thấy khả năng phục hồi giữa các mối đe dọa sức khỏe

Các nền kinh tế chủ chốt của Đông Nam Á, như Singapore, Malaysia và Indonesia có thể rút ra những bài học quý giá từ đại dịch COVID-19 để tăng cường những chiến lược của khu vực trong việc quản lý bệnh đậu mùa khỉ và đảm bảo khả năng phục hồi kinh tế - xã hội thông qua sự hợp tác chặt chẽ, theo Tờ The Jakarta Post.

Đông Nam Á cho thấy khả năng phục hồi giữa các mối đe dọa sức khỏe
Singapore là quốc gia đắt đỏ nhất Đông Nam Á

Với 85,9 điểm, Singapore hiện có chỉ số chi phí sinh hoạt cao hơn đáng kể so với các thành phố khác trong khu vực, khiến nơi đây trở thành thành phố đắt đỏ nhất Đông Nam Á, báo cáo mới của công ty công nghệ tài chính ROSHI cho thấy.

Singapore là quốc gia đắt đỏ nhất Đông Nam Á
Đông Nam Á dự báo sẽ vượt Trung Quốc về tăng trưởng GDP và FDI

Theo báo cáo Triển vọng Đông Nam Á giai đoạn 2024 - 2034 do Angsana Council, Bain & Company và ngân hàng DBS vừa công bố, Đông Nam Á có khả năng vượt qua Trung Quốc về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ tới.

Đông Nam Á dự báo sẽ vượt Trung Quốc về tăng trưởng GDP và FDI
Return to top