Kỳ lân startup Go-Jek đang có tham vọng trở thành siêu ứng dụng nơi người dùng có thể tìm thấy mọi dịch vụ trên nền tảng của mình. Ảnh: Reuters/Cungcau.vn
Tính đến năm 2018, ASEAN có 10 startup kỳ lân, nhưng con số này sẽ tăng lên trong 5 năm tới, với ít nhất 10 công ty nữa được định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Theo một báo cáo tóm tắt về vốn cổ phần tư nhân năm 2019 của Ernst & Young, đầu tư của VC vào khu vực này đã tăng trong năm 2018 với 311 giao dịch được công bố trị giá 5,2 tỷ USD, so với 230 giao dịch được công bố trị giá 4,1 tỷ USD trong năm 2017.
“Chắc chắn không có thời điểm nào tốt hơn để trở thành một người khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á như lúc này”, bà Claudia Zeisberger – một giáo sư chuyên về khởi nghiệp kinh doanh tại Trường INSEAD châu Á khẳng định. Bà cũng nói thêm rằng, sự quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp đối với không gian khởi nghiệp chắc chắn là một sự phát triển đáng chú ý, vì họ có thể mang đến thêm một “lối ra” cho startup, hoặc lấp đầy khoảng trống tài trợ ở một số quốc gia nhất định.
Ngày càng nhiều chiến lược “exit” thành công
Trong khởi nghiệp, “exit” (tạm gọi là “lối ra”, “rút lui”) là khi những người sáng lập của các startup nhận được lợi nhuận từ công việc của mình. “Exit” cũng cung cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp để trả lại tiền cho các nhà đầu tư. Theo Investopedia, chiến lược “exit” được định nghĩa là phương pháp mà một nhà đầu tư mạo hiểm hoặc chủ doanh nghiệp dự định thoát ra khỏi một khoản đầu tư mà họ đã thực hiện trước đó.
Thống kê trên toàn khu vực ASEAN cho thấy, số vụ “exit” khởi nghiệp thành công đang tăng lên, với sự chiếm lĩnh phần lớn của các công ty khởi nghiệp công nghệ trong khu vực. Một báo cáo năm 2019 của Golden Gate Ventures (GGV) và INSEAD ước tính rằng, có khoảng 700 startup sẽ “exit” từ năm 2023 đến 2025. Theo báo cáo của GGV, sẽ có sự gia tăng đáng kể số vụ “exit” sau năm 2022 do kết thúc vòng đời ngân quỹ của các quỹ đầu tư mạo hiểm sớm (những quỹ được huy động từ năm 2010-2012).
Có nhiều chiến lược “exit” cho khởi nghiệp, chẳng hạn như sáp nhập và mua lại (M&A) và phát hành lần đầu ra công chúng (IPO). IPO là quá trình huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu mới lần đầu ra công chúng (bao gồm cả các nhà đầu tư có tổ chức & phi tổ chức) của các công ty bắt đầu nổi trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, M&A đề cập đến việc sáp nhập với một công ty tương tự hoặc lớn hơn đang tìm kiếm thêm các kỹ năng bổ sung trên thị trường, trong đó mua một công ty khởi nghiệp có quy mô nhỏ hơn được coi là một cách hiệu quả để phát triển sản phẩm.
Theo Techinasia, các startup kỳ lân cũng đang trở thành người thâu tóm – cũng được coi như một chiến lược “exit” của các công ty khởi nghiệp. Từ năm 2017-2019, kỳ lân GoJek của Indonesia đã mua lại 7 công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á. Theo các nhà phân tích, việc kỳ lân thâu tóm được các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn rất có ý nghĩa, vì nó cho phép họ tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường mới trong khi vẫn củng cố mạnh mẽ vị trí của họ trong thị trường nội địa.
Bài học từ những startup thất bại
Phải thừa nhận rằng, thất bại trong khởi nghiệp phổ biến hơn những câu chuyện thành công. Theo một báo cáo của CB Insights năm 2019, 70% các công ty công nghệ khởi nghiệp gặp thất bại, thường khoảng 20 tháng sau khi nguồn tài chính tăng lần đầu tiên. CB Insights cho rằng, có nhiều lý do khiến các công ty khởi nghiệp thất bại, trong đó không có đội ngũ phù hợp (23%) và tiếp thị kém (14%) nằm trong những lý do hàng đầu dẫn đến kết cục này.
Dựa trên nghiên cứu, 42% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại do không giải quyết được các vấn đề để phục vụ nhu cầu thị trường. Một số startup có tầm nhìn hẹp và dành quá nhiều thời gian để xây dựng giải pháp cho bản thân mà không để ý đến phản hồi từ các khách hàng tiềm năng. Ở Đông Nam Á, sự cạnh tranh càng cao hơn khi có nhiều startup đổ nhiều vốn và nhân tài vào việc giải quyết cùng một vấn đề, một nhu cầu của thị trường.
Ngoài ra, 29% các công ty mới thành lập cũng “đau đầu” với các vấn đề tiền bạc và hết tiền là lý do cho sự thất bại của họ. Những nhà sáng lập của các startup thường hiếm khi suy nghĩ về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, do đó có nguy cơ cao sẽ “cháy túi”, với ít nhất 8% startup thất bại vì vấn đề này.
Từ những thực tế đó, các chuyên gia về khởi nghiệp cho rằng, có một đội ngũ nhân sự đáng tin cậy, đa dạng và năng động là rất quan trọng để san sẻ các trách nhiệm trong quá trình xây dựng và phát triển startup. Thêm vào đó, ngày càng nhiều giải pháp “exit” và số vụ “exit” thành công ngày càng tăng được cho là sẽ tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển trong khu vực Đông Nam Á.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp và lược dịch từ The Asean Post & Techinasia)