Thế giới

Những thách thức không nhỏ đối với nội các mới của Pháp

ClockThứ Hai, 06/07/2020 14:40
Cuối tuần qua, chính trường Pháp vừa có sự thay đổi đáng chú ý khi ông Édouard Philippe tuyên bố từ chức Thủ tướng và ngay sau đó, ông Jean Castex được bổ nhiệm làm tân Thủ tướng của nước này.

Tổng thống Putin: Sửa đổi Hiến pháp là đúng đắn đối với nước NgaVừa từ chức, cựu thủ tướng Pháp đối mặt nguy cơ ngồi tù vì dịch Covid-19Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex nhận chuyển giao quyền lựcĐức: Doanh số bán xe ô tô giảm 40%, thấp nhất kể từ năm 1989Hiến pháp sửa đổi - Sự thay đổi Luật cơ bản lớn nhất trong lịch sử Nga

Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex. Ảnh: Euronews

Bước đi được tính toán kỹ lưỡng

Việc cải tổ nội các Pháp là kế hoạch được đội ngũ của ông Emmanuel Macron chuẩn bị từ nhiều tháng qua, xuất phát từ nhiều tính toán chiến lược khác nhau. Thứ nhất, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Macron đã được 3 năm và kết quả đạt được là không tốt, nếu không muốn nói là có rất nhiều thất vọng.

Trong 3 năm đầu cầm quyền của ông Macron, nước Pháp đối mặt với phong trào biểu tình “Áo vàng”, một đợt phản kháng xã hội nghiêm trọng nhất với nước Pháp kể từ sự kiện Tháng Năm 1968. Các dự định cải cách lớn mà ông Macron dự định tiến hành như cải cách hưu trí, cải cách hiến pháp… đều đang tiến hành dang dở, bị phản đối rất nhiều. Các chỉ số kinh tế của nước Pháp, như tốc độ tăng trưởng hay tỷ lệ thất nghiệp, dù được cải thiện nhưng với tốc độ rất chậm.

Về mặt đối ngoại, sau sự hứng khởi ban đầu nhờ phong cách trẻ trung, quyết liệt và sẵn sàng cải cách, ông Macron cũng đã gặp rất nhiều rào cản trong ý định cải tổ châu Âu, cũng đã không thành công trong việc xây dựng một mối quan hệ thân thiện với chính quyền của ông Donald Trump tại Mỹ và việc tái xây dựng mối quan hệ với Nga cũng đang ở giai đoạn đầu còn nhiều tranh cãi.

Vì thế, về tổng thể thì một nửa nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông Macron là không thành công. Do đó, từ cuối năm 2019, ông Macron đã bắt đầu nói đến việc khởi động “giai đoạn 2” của nhiệm kỳ, với các thay đổi lớn về phương thức quản trị, về ưu tiên hành động, nhằm cứu vãn cơ hội tái đắc cử Tổng thống Pháp vào năm 2022. Và như thế thì cần phải có một sự thay đổi trong đội ngũ thực thi chính sách, tức là phải cải tổ nội các.

Điều này sẽ tạo ra một luồng gió mới, một xung lực mới, xoá bỏ hình ảnh cũ. Đây là một tính toán chính trị đơn thuần chứ không hẳn là vì chính phủ của ông Édouard Philippe đã điều hành quá tệ. Bản thân ông Philippe cùng một số Bộ trưởng quan trọng như Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian hay Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer… có thể nói là đã làm tương đối tốt, ít nhất là trong bối cảnh nước Pháp gặp nhiều khó khăn.

Lý do thứ hai cho việc cải tổ nội các tại Pháp là các sự kiện quan trọng có tính thúc đẩy, ở đây là đại dịch Covid-19 và hai cuộc bầu cử: bầu cử châu Âu 2019 và bầu cử địa phương tại Pháp vừa kết thúc. Đại dịch Covid-19 đẩy nước Pháp, cũng như nhiều nước châu Âu khác, vào một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới 2.

Đại dịch này buộc nước Pháp phải thay đổi các ưu tiên phát triển, chuyển đổi mô hình kinh tế, gia tăng đầu tư vào khía cạnh y tế, an sinh-xã hội, phải cảnh giác hơn trước nguy cơ rạn nứt xã hội khi kinh tế lao dốc. Còn hai cuộc bầu cử châu Âu 2019 và bầu cử địa phương vừa qua thì khẳng định việc các đảng Xanh đang trở thành một lực lượng chính trị lớn, các vấn đề về môi trường, sinh thái, chuyển đổi năng lượng… ngày càng thu hút cử tri. Sau hai cuộc bầu cử này, đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” (LREM) của ông Emmanuel Macron đã bị hụt hơi, rơi vào tình trạng chưa kịp nổi lên đã có nguy cơ bị phá huỷ. Đảng LREM đã và đang đánh mất động lực, sức hút, đã xuất hiện các phe nhóm chống đối, rạn nứt trong nội bộ.

Vì tất cả những nguyên nhân đó, đội ngũ của ông Emmanuel Macron buộc phải có một động thái chính trị lớn nhằm chiếm lĩnh mặt trận truyền thông, tái cấu trúc nội bộ, chinh phục lại các nhóm cử tri, chuẩn bị cho năm 2022. Trong hoàn cảnh đó, về mặt cá nhân, ông Macron cũng không muốn có một Thủ tướng có uy tín cao hơn mình (ông Édouard Philippe được 43% dân Pháp ủng hộ, so với 35% ủng hộ ông Macron) mà chỉ cần 1 người biết nghe lời và chăm chỉ làm việc.

Khả năng chèo lái của nội các mới?
 
Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex vốn là một công chức cấp cao, một nhà kỹ trị, chứ không phải là một chính trị nổi bật. Trong sự nghiệp chính trị, ông Jean Castex tuy từng làm Phó Tổng thư ký Văn phòng Phủ Tổng thống Pháp thời ông Nicolas Sarkozy nhưng nổi bật nhất là khi làm dân biểu địa phương, rồi làm thị trưởng một thành phố rất nhỏ là Prades chỉ có hơn 6.000 dân nằm tít vùng Tây Nam nước Pháp, cách rất xa các trung tâm chính trị lớn của nước Pháp như Paris, Marseille hay Lyon. Rất nhiều cộng sự của ông Jean Castex trước đây đánh giá ông này là một công chức cấp cao điển hình, khi đã học qua trường Hành chính quốc gia (ENA) rất danh giá của Pháp rồi làm việc ở Thẩm kế viện, một trong những cơ quan lớn (grand corp) trong hệ thống hành chính Pháp.
 
Ông Jean Castex được đánh giá là rất cần mẫn, rất đa năng vì từng làm ở cả mảng y tế, xã hội, thể thao cho đến mới đây nhất là được giao phụ trách chiến lược gỡ bỏ phong toả của Pháp sau đại dịch Covid-19. Ông Castex cũng là người biết lắng nghe, có mối quan hệ tốt với các công đoàn. Nhìn chung thì đây là một công chức hành chính cấp cao, thông thạo bộ máy nhà nước nhưng cũng rất quen thuộc với bộ máy địa phương. Về tổng thể thì ông Jean Castex được đánh giá cao về khả năng làm việc nhưng điểm yếu của ông này là chưa từng có kinh nghiệm lãnh đạo cấp cao và còn tương đối vô danh với công chúng Pháp.
 
Về nội các mới của Pháp thì dự tính trong ngày 6/7, ông Jean Castex sẽ đưa ra những cái tên đầu tiên. Hiện tại chưa ai biết sẽ có bao nhiêu Bộ trưởng trong chính phủ cũ được giữ lại nhưng điều chắc chắn là cùng với việc thay đổi nhân sự, chính phủ Pháp cũng sẽ được cải tổ lại theo hướng gọn nhẹ hơn, với nhiều chức danh Quốc vụ khanh, tức tương đương Thứ trưởng, chuyên trách hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu của ông Emmanuel Macron là hành động nhanh chóng và tập trung vào một số ưu tiên cụ thể của Pháp.
 
2 năm liệu có đủ làm nên thay đổi tích cực?
 
Để trả lời cho câu hỏi của chị thì trước hết cần phải đánh giá xem đâu là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới tại Pháp. Trong những bài trả lời phỏng vấn báo chí Pháp cuối tuần qua thì tân Thủ tướng Jean Castex đã đặt ra ưu tiên của ông là phải hành động thật nhanh, giải quyết dứt điểm những hồ sơ còn tồn đọng của chính phủ tiền nhiệm, đặc biệt là cải cách về hưu trí. Ông Jean Castex muốn hoàn tất dứt điểm dự án cải cách này trong thời gian sớm nhất để có thể tập trung vào các nhiệm vụ khác.
 
Nếu thực hiện được điều này thì đó sẽ là một thành công bởi từ khi ông Macron lên nắm quyền, các kế hoạch cải cách của ông Macron gặp lực cản rất lớn từ các công đoàn, từ các phong trào xã hội. Nhiều phân tích thậm chí cho rằng ông Macron sẽ không thể làm được gì tại một đất nước không chấp nhận cải cách như nước Pháp.
 
Vì thế, hoàn tất việc cải cách hưu trí, tức lập ra một hệ thống hưu trí phổ quát dựa trên việc tính đến, thay thế cho hơn 40 hệ thống hưu trí đang tồn tại ở Pháp, sẽ là thử thách đầu tiên mang tính quyết định xem liệu chính phủ của ông Jean Castex có thể làm được những gì trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống của ông Macron. Trên thực tế, 2 năm là quãng thời gian rất ngắn vì bắt đầu từ năm sau là ông Macron đã phải tập trung tái tranh cử Tổng thống.
 
Cần phải nhìn nhận rằng các thách thức đang chờ đợi chính phủ mới tại Pháp là vô cùng lớn. Đại dịch Covid-19 đang tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội cực kỳ nghiêm trọng. Nợ công của Pháp đã tăng thêm hơn 3% và hiện đã ở mức 101,2% GDP. Thâm hụt ngân sách ở mức gần 120 tỷ euro. Hàng loạt tập đoàn và doanh nghiệp lớn tại Pháp sa thải nhân công, nộp đơn bảo hộ phá sản. Nước Pháp dự kiến sẽ tăng trưởng âm đến gần -10% trong năm nay. Vì thế, bức tranh toàn cảnh với nước Pháp là vô cùng ảm đạm và việc cải tổ nội các không phải là phép màu, có thể nhanh chóng thay đổi tình hình.
 
Việc ông Macron lựa chọn ông Jean Castex để thực thi chính sách của mình trong 2 năm còn lại, vì thế, chủ yếu là dựa trên các tính toán dài hạn cho việc tái tranh cử năm 2022 chứ không nên kỳ vọng vào một thay đổi tích cực ngay lập tức cho bức tranh kinh tế-xã hội tại Pháp.
 
Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm:
Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam, Pháp

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 7/10 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời sân bay Orly, thủ đô Paris lên đường về nước kết thúc tốt đẹp các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3/10 -7/10/20024, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron.

Dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam, Pháp
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Nhiều dư địa làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Pháp

Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới CH Pháp trong các ngày 4 - 7/10/2024, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng về quan hệ hợp tác giữa hai nước. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Đại sứ Đinh Toàn Thắng Nhiều dư địa làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Pháp
Return to top