Thế giới

Những thành phố làm việc quá sức nhất ở ASEAN

ClockThứ Bảy, 21/11/2020 21:48
TTH - Kisi, một nhà phát triển bảo mật dựa trên đám mây vừa công bố bảng xếp hạng “Các thành phố có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt nhất năm 2020”; trong đó xếp hạng những thành phố trên khắp thế giới trong việc mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt nhất cho người dân của họ, thông qua các so sánh dữ liệu về cường độ làm việc, luật pháp và khả năng sống.

Người dân thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia dành nhiều thời gian nhất để đi đến nơi làm việc trong bảng xếp hạng của Kisi. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Chỉ số đánh giá điểm tổng thể về công việc và cuộc sống của mỗi thành phố dựa trên các thước đo như lượng thời gian mà một người dành cho công việc của họ, bao gồm tổng số giờ làm việc, tỷ lệ phần trăm dân số làm việc quá sức, thời gian đi đến nơi làm việc và thời gian dành cho các kỳ nghỉ.

Theo Kisi, thành phố Oslo ở Na Uy cung cấp sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt nhất, tiếp theo là Helsinki ở Phần Lan và thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Trong khi ở cuối bảng xếp hạng là các thành phố như Seoul (Hàn Quốc), Milan (Italy), Budapest (Hungary), và thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đáng chú ý, các thành phố làm việc quá sức đứng đầu trong bảng xếp hạng đều nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với Hồng Kông (Trung Quốc) đứng ở vị trí đầu tiên, tiếp theo là Singapore (Singapore), Seoul, Kuala Lumpur và Tokyo (Nhật Bản).

ASEAN

Kuala Lumpur, Bangkok (Thái Lan) và Singapore nằm trong 10 vị trí cuối cùng của bảng xếp hạng, lần lượt ở các vị trí thứ 47, 43 và 41 trên tổng số 50 thành phố. Không hoàn toàn ngạc nhiên đối với nhiều người khi Kuala Lumpur được xếp hạng là một trong những thành phố làm việc quá sức nhất dựa trên chỉ số của Kisi trong năm nay, bởi thành phố này đã xếp cuối cùng trong bảng xếp hạng năm 2019, đứng thứ 40 trên tổng số 40 thành phố. Trong năm nay, Kisi đã bổ sung thêm 10 thành phố vào cuộc khảo sát, thủ đô của Malaysia vẫn xếp hạng khá thấp, ở vị trí 47 trong danh sách 50 thành phố, về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Tương tự như vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi Singapore là một trong những thành phố làm việc quá sức nhất trong năm nay, khi đứng thứ 32 trong số 40 thành phố được xếp hạng vào năm 2019, và vẫn nằm trong 10 vị trí cuối của bảng xếp hạng năm nay.

Theo một cuộc khảo sát do Công ty Dịch vụ Y tế Cigna thực hiện năm 2019, người dân Singapore nằm trong số những người căng thẳng nhất trong công việc trên toàn cầu. Trong khi đó, người dân ở Kuala Lumpur cũng có thời gian làm việc dài nhất và dành nhiều thời gian nhất để đi đến nơi làm việc, tiếp theo là Singapore và Bangkok.

“Chỉ số này không được xây dựng để trở thành một chỉ số về khả năng sống của các thành phố, cũng không nhằm mục đích làm nổi bật những thành phố tốt nhất để làm việc; thay vào đó, đây là một chỉ số về khả năng của một thành phố trong việc cung cấp sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống lành mạnh cho người dân, đồng thời cung cấp cơ hội để giảm bớt những căng thẳng liên quan đến công việc”, Kisi cho hay.

Sức khỏe tâm thần

Đã có một số nghiên cứu được thực hiện về mối tương quan giữa thời gian làm việc dài hơn và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Những bệnh tâm thần như trầm cảm lâm sàng, rối loạn lo âu tổng quát, và rối loạn căng thẳng sau chấn thương đang gia tăng, do mức độ căng thẳng trong công việc ngày càng tăng.

Một cuộc khảo sát của Công ty AIA Vitality năm 2019 cho thấy, người lao động ở Malaysia thường làm việc quá sức và thiếu ngủ, 51% đối mặt với ít nhất một mức độ căng thẳng liên quan đến công việc. Ngoài ra, 53% những người được khảo sát có thời gian ngủ chưa đến 7 giờ đồng hồ trong khoảng thời gian 24 giờ. Malaysia đã trải qua mức tăng gấp 3 lần về các vấn đề sức khỏe tâm thần trong 2 thập kỷ qua.

Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều người lao động làm việc từ xa phải cố gắng để vạch ra ranh giới giữa công việc và cuộc sống ở nhà. “Một số khách hàng của tôi làm việc hơn 50 giờ/tuần, vượt giới hạn 48 giờ của Đạo luật Việc làm của Bộ Nhân lực Singapore. Họ cũng làm việc mà ít hoặc không có tương tác với người khác”, bà Jeanette Lim, một nhà tâm lý học tại Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore cho biết.

Bên cạnh các vấn đề sức khỏe tâm thần, làm việc quá sức và cô lập gây gia tăng căng thẳng, cũng có thể dẫn đến những vấn đề về thể chất như vấn đề về cơ xương và trao đổi chất, bà Jeanette Lim nói thêm.

Ông Bernhard Mehl, Giám đốc Điều hành và đồng sáng lập Kisi nhận định: “Trong khi làm việc từ xa có rất nhiều lợi ích về tính linh hoạt cao hơn và thời gian đi đến nơi làm việc ít hơn, cũng có một nguy cơ rất thực tế là người lao động rơi vào sự cân bằng không lành mạnh giữa giờ “làm việc” và “ở nhà”, mà không có ranh giới vật lý của môi trường làm việc... Chúng tôi muốn thu hút sự chú ý đến vấn đề làm việc quá sức trong nghiên cứu về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống này một lần nữa, bởi đó là điều mà mặc dù luôn là một mối đe dọa đối với sức khỏe tâm thần và thể chất của mọi người; nhưng dường như giờ đây, lại cấp bách hơn bao giờ hết”.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The ASEAN Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top