Thế giới

“Đông Nam Á thực sự quan trọng đối với Mỹ”

ClockThứ Sáu, 20/08/2021 15:16
TTH.VN - Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ ngày 19/8 cho biết, chuyến công du sắp tới của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam và Singapore sẽ nhấn mạnh cam kết lâu dài của Mỹ đối với một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chuẩn bị thăm Việt Nam và SingaporeBộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Việt Nam

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam từ ngày 24/8 tới. Ảnh: Reuters/Tuoitre

“Khu vực này, Đông Nam Á, thực sự quan trọng đối với Mỹ”, quan chức này khẳng định  trong một cuộc họp báo. 

“Phó Tổng thống nhìn nhận rằng phần lớn lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi có những mối quan tâm lâu dài ở đó. Và đó là lý do tại sao Phó Tổng thống Harris rất tập trung vào khu vực này và thực hiện chuyến công du”, ông nói thêm.

Chuyến đi của bà Harris tới Đông Nam Á sẽ là chuyến công du nước ngoài thứ hai của bà kể từ khi nhậm chức hồi tháng giêng và là chuyến thăm đầu tiên của một Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam. Bà cũng là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm khu vực Đông Nam Á kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức hồi đầu năm và diễn ra sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines vào tháng trước.

Theo nhận định của giới chức Mỹ, chuyến công du này của bà Harris sẽ làm nổi bật trọng tâm của chính quyền Tổng thống Biden trong việc đem lại sức sống mới cho các mối quan hệ liên minh và đối tác trên toàn thế giới, đồng thời thiết lập mối quan hệ sâu sắc hơn với mạng lưới các đồng minh ở Đông Nam Á. Chuyến đi của Phó Tổng thống cũng gửi gắm thông điệp Mỹ là một phần của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ “ở lại” đây, tái khẳng định cam kết duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trước đó, hồi đầu tháng, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với Reuters rằng, trọng tâm của Phó Tổng thống sẽ là bảo vệ các quy tắc quốc tế ở Biển Đông, củng cố vai trò lãnh đạo khu vực của Mỹ và mở rộng hợp tác an ninh trong khu vực.

Nhiều vần đề cần bàn thảo

Chuyến công du hai nước Đông Nam Á của Phó Tổng thống Harris diễn ra vào thời điểm chính quyền Mỹ đang đối mặt với nhiều vấn đề sau quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Vị quan chức nói trên cho biết bà Harris sẽ tiếp tục giải quyết các vụ việc liên quan đến Afghanistan trong chuyến công du châu Á, đồng thời sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính của sức khỏe cộng đồng toàn cầu, quan hệ đối tác kinh tế và an ninh.

Bà cũng sẽ thảo luận về việc giải quyết mối đe dọa của biến đổi khí hậu, cam kết của Mỹ đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, quyền của người lao động, cũng như các vấn đề khác của khu vực.

Theo lịch trình, Phó Tổng thống Harris sẽ rời Washington DC trong ngày 20/8 (giờ địa phương) và đến Singapore trước. Vào ngày 23/8, bà sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Singapore Halimah Yacob và gặp Thủ tướng Lý Hiển Long để thảo luận về toàn bộ các vấn đề trong quan hệ song phương, trước khi có cuộc họp báo chung với Thủ tướng Singapore.

Cùng ngày, Phó Tổng thống Harris sẽ thăm Căn cứ Hải quân Changi và có những phát biểu ngắn gọn với các thủy thủ Mỹ trên tàu USS Tulsa, một tàu tác chiến ven biển của Mỹ hiện đang thăm Singapore.

“Chuyến đi của Phó Tổng thống tới căn cứ sẽ nhấn mạnh mối quan hệ an ninh bền chặt giữa Singapore và Mỹ. Mối quan hệ đối tác của Mỹ với Singapore thực sự là nền tảng cho sự hiện diện an ninh của Mỹ ở Đông Nam Á”, một quan chức khác nêu rõ.

Bà Harris sẽ có bài phát biểu về chính sách vào sáng 24/8, nêu rõ lý do tại sao các mối quan hệ đối tác của Mỹ lại quan trọng, đặc biệt là ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định cam kết lâu dài đối với khu vực và vạch ra các lĩnh vực chính trong quan hệ đối tác của nước này, Reuters đưa tin.

Sau đó, Phó Tổng thống Harris sẽ tham gia một phiên họp bàn tròn với các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng, các quan chức chính phủ và đại diện khu vực tư nhân, nhằm thảo luận về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trước khi rời Singapore để đến Việt Nam vào tối 24/8.

Bà Harris sẽ có một số cuộc họp với đại diện Chính phủ Việt Nam vào ngày hôm sau, và dẫn đầu phái đoàn Mỹ đồng tổ chức lễ ra mắt chính thức văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tại Hà Nội. Phó Tổng thống Harris cũng sẽ thảo luận về phản ứng của Mỹ đối với COVID-19, những cách thức hợp tác để chấm dứt đại dịch và tăng cường an ninh y tế toàn cầu.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Straitstimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cùng với sử dụng sức mạnh quân sự để đánh bại kẻ thù xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa và nhân văn của cuộc chiến tranh đang tiến hành để đánh bại kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiếp nối truyền thống đó, trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nhất quán chủ trương đối xử khoan hồng, nhân đạo đối với tù, hàng binh.

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam
Hải quân Nhân dân Việt Nam: 69 năm hành trình giữ biển

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”; trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Hải quân Nhân dân Việt Nam 69 năm hành trình giữ biển
Return to top