Cờ EU và Anh. Ảnh: BBC
Phát biểu khi đến sân bay thủ đô London, Anh, trưởng đoàn đàm phán về Brexit của Liên minh châu Âu, ông Barnier cho biết: “Chúng tôi rất vui khi được trở lại London. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với sự kiên nhẫn và quyết tâm.”
Cuộc đàm phán được nối lại sau khi các cuộc đàm phán trực tiếp đã phải tạm ngừng hồi tuần trước, khi một thành viên đoàn đàm phán của ông Barnier có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Hiện chỉ còn 5 tuần nữa là Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/12. Tuy nhiên, hiện cả Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều khẳng định vẫn còn những bất đồng lớn đối với thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit trong bối cảnh cả hai bên liên tục đá quả bóng sang chân của nhau. Thủ tướng Anh Johnson cho biết Anh sẽ nỗ lực thu hẹp những bất đồng. Ông cho rằng việc đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit sẽ phụ thuộc vào bên phía EU.
Trong khi đó, về phía EU, trưởng đoàn đàm phán Barnier cũng nêu rõ, nếu phía Anh không nhanh chóng đưa ra quyết định cần thiết, việc đạt được thỏa thuận sẽ vô cùng khó khăn.
Vương quốc Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu kể từ đầu năm 2020, song đến nay giới chức hai bên vẫn đang tiếp tục đàm phán để đạt thỏa thuận điều chỉnh gần 1.000 tỷ USD trao đổi thương mại hằng năm trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, dự kiến vào ngày 31/12 tới.
Hiện các cuộc đàm phán vẫn đang trong thế bế tắc với 3 vấn đề chính gồm quyền đánh bắt cá, cách giải quyết tranh chấp trong tương lai và các quy tắc "sân chơi bình đẳng" để bảo đảm cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực trước cuộc đàm phán này là theo tờ Điện tín của Anh, Liên minh châu Âu sẽ nhượng bộ về quyền đánh bắt cá khi chấp nhận đề xuất về giai đoạn chuyển tiếp về quyền đánh bắt sau ngày 1/1 năm tới.
Trong bối cảnh tiến trình đàm phán tới nay vẫn chưa đạt đột phá, đây được cho là “bãi đáp” để cả Anh và EU có thể tận dụng, mở đường tiến tới một thỏa thuận thương mại có lợi cho các bên, giúp tránh cái kết "không có hậu" cho cuộc khủng hoảng Brexit vốn đã kéo dài 5 năm qua. Bởi nếu hai bên không đạt được thỏa thuận để kịp phê chuẩn trước ngày 31/12 tới, hoạt động thương mại giữa EU và Anh sẽ gặp rào cản thuế quan và các doanh nghiệp ở cả hai bên, nhất là phía Anh, sẽ chịu thiệt hại rất lớn. Ngoài ra, nếu kịch bản này xảy ra còn kéo theo hỗn loạn trên thị trường tài chính và trong các chuỗi cung ứng trải khắp châu Âu và xa hơn thế, nhất là khi thế giới đang vật lộn với cái giá rất lớn mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế.
Theo VOV