Thế giới

OECD: Nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2024

ClockThứ Năm, 30/11/2023 11:15
TTH.VN - Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại một chút trong năm tới do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, tăng trưởng thương mại yếu và niềm tin của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng thấp hơn tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.
 Một góc chợ ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế mới nhất của mình, OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ mức vừa phải 2,9% trong năm nay xuống còn 2,7% vào năm 2024, trước khi tăng lên 3,0% vào năm 2025, do tăng trưởng thu nhập thực tế phục hồi và lãi suất thấp hơn.

Tốc độ tăng trưởng không đồng đều

Các nền kinh tế tiên tiến nhìn chung phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm hơn so với các thị trường mới nổi và hiệu quả hoạt động của châu Âu đang tụt hậu so với Bắc Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Á.

Châu Âu - nơi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi lãi suất và chi phí năng lượng tăng cao, phải đối mặt với con đường đặc biệt khó khăn để phục hồi hoàn toàn.

Ngược lại, tăng trưởng GDP được duy trì tốt hơn ở Mỹ và nhiều nền kinh tế sản xuất hàng hóa khác. Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đã cùng nhau duy trì tốc độ tăng trưởng gần bằng mức trước đại dịch.

Theo OECD, khu vực đồng euro có thể mong đợi mức tăng trưởng GDP hàng năm là 0,5% trong ba tháng cuối năm 2023. GDP của khối này dự kiến sẽ tăng 0,6% trong năm nay, tiếp theo là 0,9% vào năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.

Tăng trưởng bị kéo xuống ở châu Âu, nơi tầm quan trọng của tài chính ngân hàng tương đối cao và gây áp lực lên thu nhập do chi phí năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, trương tương lai, tiêu dùng dự kiến sẽ tăng mạnh do thị trường lao động thắt chặt và thu nhập thực tế tăng khi lạm phát đang chậm lại.

Mặt khác, dự báo cũng ước tính rằng tác động toàn diện của chính sách tiền tệ thắt chặt trong khối vẫn còn xuất hiện và hoạt động có thể bị ảnh hưởng mạnh hơn dự kiến.

Lạm phát giảm nhẹ nhưng vẫn là mối lo ngại

Lạm phát chung đã giảm ở hầu hết mọi nơi trong năm qua, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng trong nửa đầu năm 2023.

Tuy nhiên, việc cắt giảm sản lượng của các nền kinh tế chủ chốt của OPEC+ và sự gián đoạn nguồn cung trên thị trường dầu mỏ đã khiến giá dầu tăng cao kể từ tháng 6. Điều này kết hợp với sự không chắc chắn do căng thẳng địa chính trị gia tăng hiện đang làm lu mờ triển vọng lạm phát.

Lạm phát cơ bản ước tính đã giảm xuống dưới 3% ở toàn bộ nền kinh tế G7 trong quý III/2023 so với quý trước, chậm lại từ mức trên 4,25% trong nửa đầu năm.

Theo OECD, lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm xuống 2,9% vào năm tới sau mức 5,5% trong năm nay và sẽ ổn định ở mức 2,3% vào năm 2025.

Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp

Trên khắp các nước OECD, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp với mức dự kiến là 5,1% cho cả năm 2024 và 2025.

Tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng ở Mỹ, Vương quốc Anh, Canada và Australia. Tuy nhiên, tại Nhật Bản và khu vực đồng euro, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp và gần bằng mức 6,5% hiện nay.

Đồng thời, OCED cho rằng tốc độ tăng trưởng việc làm hàng năm sẽ chậm lại, số lượng vị trí tuyển dụng thấp hơn và trong một số trường hợp, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ.

Hiện nay, thị trường lao động chặt chẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu dùng tư nhân. Tuy nhiên, song song với điều này, đầu tư tư nhân được dự đoán sẽ bị kéo xuống bởi lãi suất cao.

Hậu quả kinh tế của cuộc xung đột Israel-Hamas

Một cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông có thể đè bẹp những kỳ vọng kinh tế toàn cầu hiện nay, đặc biệt đối với các nền kinh tế châu Âu - nơi những cú sốc đang biểu hiện rất rõ ràng thông qua giá năng lượng và lương thực tăng cao.

Làm lu mờ triển vọng kinh tế toàn cầu, một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể tạo ra sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường năng lượng và các tuyến thương mại chính, và nếu thị trường tài chính gặp thêm các rủi ro khác, điều đó sẽ làm chậm tăng trưởng hơn nữa và dẫn tới làm gia tăng lạm phát.

Cần làm gì để hỗ trợ tăng trưởng dài hạn?

Nền kinh tế toàn cầu đang trên đà đưa lạm phát quay trở lại mục tiêu mà không có sự suy giảm tăng trưởng rõ rệt hay tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, dẫn đến mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến vào năm 2024. Để duy trì triển vọng này, OECD đề nghị duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng rằng lạm phát đã được kiểm soát, chừa chỗ cho một số đợt tăng lãi suất bổ sung nếu cần.

OECD cũng đang kêu gọi chính sách tài khóa thận trọng, lưu ý rằng các chính phủ phải đối mặt với chi phí gia tăng để tái cấp vốn cho các khoản nợ ngày càng tăng, trong khi vẫn phải cân nhắc chi tiêu bổ sung cho các vấn đề quan trọng như dân số già, biến đổi khí hậu và quốc phòng.

Một số nền kinh tế mạnh nhất ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chứng kiến chi phí đi vay chính phủ của họ tăng vọt trong năm qua, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức đang tăng gần hơn mức 3% trong khi Italy gần đây đã vượt mức 4,5%.

Để tránh những cú sốc trong tương lai, các kế hoạch chi tiêu và thuế rõ ràng là rất quan trọng, đồng thời tăng cường đầu tư, đặc biệt “tiến bộ nhanh hơn trong quá trình khử carbon cũng là điều cần thiết”, báo cáo nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1/2025

Reuters hôm nay (13/12) dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết nước này dự kiến ​​sẽ áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia bắt đầu từ tháng 1/2025. Theo đó, chính phủ Thái Lan sẽ khẩn trương ban hành luật về việc thu thuế, Bộ trưởng Chunhavajira nêu rõ.

Thái Lan dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1 2025
Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Song cùng với đó, để thúc đẩy tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng phải tìm cách tiết giảm chi phí, nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay.

Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng
IMF: Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”

Các nhà kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, các nền kinh tế châu Á đủ sức chống chịu với biến động và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vượt qua các thách thức một cách bình tĩnh, trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nội bộ khác nhau bên cạnh việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng.

IMF Các nền kinh tế châu Á “đủ sức chống chịu với biến động”
Vận tải khách hàng không và hàng hóa tăng trưởng vững chắc trong năm 2024

Theo dữ liệu sơ bộ vừa được công bố bởi Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), mặc dù có những vấn đề nghiêm trọng về chuỗi cung ứng, nhưng các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương vẫn hoạt động tốt trong năm 2024. AAPA cho biết, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đang tăng mạnh trên toàn khu vực, được thúc đẩy bởi nhu cầu du lịch giải trí và công tác. Song song đó, thị trường vận tải hàng không quốc tế cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, khi các doanh nghiệp bổ sung hàng tồn kho để chuẩn bị cho mùa lễ hội cuối năm và các sự kiện bán hàng trực tuyến lớn.

Vận tải khách hàng không và hàng hóa tăng trưởng vững chắc trong năm 2024
Return to top