Tiêm chủng vaccine và triển khai biện pháp phòng chống là hi vọng để khu vực và thế giới chiến thắng đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: StraitsTimes/Công an Nhân dân Online
Cụ thể, các quốc gia châu Á tỏ ra khá thận trọng trong cách tiếp cận vaccine, phê duyệt, xem xét liệu chủng loại vaccine nào sẽ được chấp thuận và có sẵn để sử dụng. Thêm vào đó, do phần lớn khu vực châu Á có lợi thế to lớn về việc kiểm soát đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia trở nên thiếu khắt khe và chưa thúc đẩy hành động để trở thành nước đầu tiên có và tiến hành tiêm chủng vaccine COVID-19.
Tuy nhiên, ông Steven Cochrane lưu ý, sự cần thiết phải tiêm chủng phòng dịch và đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng là rất quan trọng đối với việc mở cửa trở lại các biên giới quốc tế và tạo điều kiện cho dòng khách di chuyển vì mục đích làm việc, công tác, kinh doanh không bị gián đoạn.
Xét trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc là nước đầu tiên bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số được ưu tiên. Tính đến ngày 9/2 – thời điểm Trung Quốc cập nhật thông tin mới nhất, tỷ lệ tiêm chủng chỉ tăng lên đến 2,8%. Đến cuối tháng 2, báo giới Trung Quốc cho biết tỷ lệ tiêm chủng này chỉ đạt đến 3,5%.
Singapore bắt đầu tiêm chủng muộn hơn, vào ngày 11/1 nhưng đến ngày 18/2 vừa qua, tỷ lệ tiêm chủng của đảo quốc sư tử đã tăng lên đến 6,2% theo dữ liệu của Our World.
Ở những nơi khác cũng trong khu vực châu Á, tỷ lệ tiêm chủng của Sri Lanka là 2,4%; Nepal là 1,4% và Ấn Độ cũng như Indonesia là khoảng 1%. Đối với các quốc gia nơi công cuộc ngăn chặn đại dịch lây lan kém thành công hơn, trong đó bao gồm Indonesia, Malaysia và Philippines, triển khai tiêm chủng nhanh chóng là điều tiên quyết phải thực hiện để giúp các nước mở cửa trở lại nền kinh tế và đưa các ngành công nghiệp dịch vụ quay trở lại, cùng lúc vẫn bảo vệ sức khỏe người dân.
Cũng trong cụm tin cập nhật về COVID-19, giới chuyên gia cho biết thế giới cần nỗ lực phòng chống đại dịch và các nước không được lơ là cảnh giác, nhất là khi số ca nhiễm trên thế giới có dấu hiệu gia tăng.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định: “Chúng ta cần phải giảm gấp đôi số ca nhiễm. Đây không phải là lúc để từ bỏ”.
Tuyên bố được đưa ra khi vào tuần trước, WHO đã cảnh báo số ca nhiễm mới có dấu hiệu gia tăng sau 6 tuần giảm liên tiếp. Theo WHO, hơn 2,6 triệu ca nhiễm mới đã được ghi nhận vào tuần cuối cùng của tháng 2, tăng 7% so với 1 tuần trước đó. Phía Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á, châu Âu và châu Mỹ đều có mức tăng từ 6% đến 14%.
Hậu quả này một phần là do sự mệt mỏi gây nên bởi lệnh phong tỏa. Mọi người có lẽ cũng dần có suy nghĩ bình thường hơn bởi họ cho rằng vaccine đang được phát triển. Các biến thể mới cũng đóng vai trò trong việc khiến số ca nhiễm gia tăng. Các nhân viên y tế đang kiệt sức. Họ đã chiến đấu với dịch bệnh hơn 1 năm qua.
Các chuyên gia sức khỏe một lần nữa nhấn mạnh đây không phải là lúc để chủ quan. Mặc dù có nhiều loại vaccine đã được phát triển và sản xuất nhưng đây không phải lúc để “thư giãn”.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ The Business Times & CNBC)