Thế giới

Phụ huynh từ chối cho trẻ sử dụng smartphone – xu hướng ngày càng lan rộng toàn cầu

ClockThứ Năm, 18/07/2024 18:38
TTH.VN - Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) với các tác hại về sức khỏe tâm thần ở trẻ em và trong bối cảnh đó, một tổ chức ở Anh đang triển khai chiến dịch hỗ trợ các bậc phụ huynh hạn chế đưa thiết bị này cho con cái.

Một phần tư người trẻ tuổi nghiện điện thoại thông minhĐề xuất cấm trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng mạng xã hội ở bang Nam AustraliaTrẻ em từ 8 tuổi đang sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn bao giờ hết

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng smartphone với các tác hại về sức khỏe tâm thần ở trẻ em. Ảnh minh họa: Getty Image 

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) với các tác hại về sức khỏe tâm thần ở trẻ em và trong bối cảnh đó, một tổ chức ở Anh đang triển khai chiến dịch hỗ trợ các bậc phụ huynh hạn chế đưa thiết bị này cho con cái.

Trang web Smartphone Free Childhood (SFC – tạm dịch là “Tuổi thơ không điện thoại thông minh”), được thành lập hồi tháng 2, đã xây dựng nhiều nhóm trò chuyện dành cho các bậc phụ huynh trên khắp Vương quốc Anh, và chỉ sau vài tuần, số thành viên đã tăng lên hơn 60.000 người.

Sự quan tâm đến phong trào này được thúc đẩy bởi những lo ngại rằng việc trẻ em sử dụng smartphone đang bị “bình thường hóa”. Theo Ofcom, cơ quan quản lý được chính phủ phê duyệt cho việc sử dụng các dịch vụ liên lạc ở Anh, 97% trẻ em ở độ tuổi 12 tại Anh có điện thoại di động.

Trong khi đó tại Mỹ, 42% trẻ em sở hữu điện thoại thông minh khi 10 tuổi, và con số này tăng lên 91% ở độ tuổi 14, theo báo cáo năm 2021 của Common Sense.

Thực tế, các bậc cha mẹ đang cho con mình sử dụng điện thoại thông minh trong một thế giới ngày càng trực tuyến vì nhiều lý do, bao gồm mục đích giải trí, theo dõi vị trí của chúng và giữ liên lạc với chúng khi chúng rời khỏi nhà. Tuy nhiên, các nghiên cứu và chuyên gia nhấn mạnh điều này đang mở ra cánh cửa cho mạng xã hội và những tác hại có thể xảy ra đối với sức khỏe tâm thần của trẻ.

Với các hoạt động hữu ích, SFC đã kết nối các bậc cha mẹ không cho con sử dụng điện thoại. Thành công của SFC đã giúp chiến dịch này mở rộng ra phạm vi quốc tế với các nhóm được thành lập ở Mỹ, Australia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Brazil, Canada, Nam Phi và nhiều quốc gia khác.

Chỉ vài ngày sau khi chiến dịch SFC được phát động, chính phủ Anh lúc đó đã ban hành hướng dẫn mới cấm sử dụng điện thoại thông minh trong trường học và trong giờ giải lao.

Một số nơi ở Mỹ - như Los Angeles, các bang Florida và Indiana - đã ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học.

Nhiều tổ chức độc lập khác cũng đang được thành lập trên toàn cầu như Wait Until 8th có trụ sở tại Austin, Unplugged ở Canada, No Es Momento ở Mexico hay Heads Up Alliance ở Australia.

Theo một nghiên cứu của Sapien Labs hồi năm ngoái, những người trẻ tuổi cho biết họ có kết quả sức khỏe tâm thần tồi tệ hơn khi mua điện thoại thông minh sớm hơn. Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu từ 27.969 thanh niên trong độ tuổi 18-24 tại 41 quốc gia bao gồm Bắc Mỹ, châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Đại Dương, Nam Á và châu Phi.

Theo nghiên cứu, khoảng 74% số nữ giới được hỏi có chiếc điện thoại thông minh đầu tiên lúc 6 tuổi cho biết họ cảm thấy khó chịu, lo lắng hoặc chật vật. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống còn 61% đối với những người mua điện thoại thông minh đầu tiên ở tuổi lên 10 và 52% đối với những người ở độ tuổi 15.

Đối với nam giới, tỷ lệ cảm thấy khó chịu, lo lắng hoặc chật vật này giảm từ 42% đối với những người có điện thoại thông minh đầu tiên khi 6 tuổi xuống còn 36% đối với những người có điện thoại thông minh đầu tiên ở tuổi 18.

Những thanh thiếu niên mua chiếc điện thoại thông minh đầu tiên ở độ tuổi lớn hơn cho biết họ có sức khỏe tinh thần tốt hơn, bao gồm ít có ý nghĩ tự tử và cảm giác hung hăng, cũng như giảm bớt các vấn đề về việc tách rời khỏi thực tế.

Ông Zach Rausch, nhà khoa học thuộc Đại học New York cho rằng việc ngày càng nhiều trẻ nhỏ sử dụng điện thoại từ thời thơ ấu thực sự có hại cho giới trẻ, và bằng chứng về những tác hại này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn qua từng năm. Theo ông Rausch, sự kết hợp giữa điện thoại thông minh và mạng xã hội đặc biệt nguy hại đối với giới trẻ.

Một nghiên cứu theo dõi cuộc sống của khoảng 19.000 thanh niên sinh ra ở Vương quốc Anh từ năm 2000 đến năm 2002 đã tìm thấy mối tương quan cao giữa việc sử dụng mạng xã hội với các triệu chứng trầm cảm.

“Khi điện thoại thông minh và mạng xã hội thực sự kết hợp với nhau, nó sẽ tạo ra cách tương tác hoàn toàn mới… Chúng được xây dựng theo cách có tính chất gây nghiện và cố gắng thu hút người dùng”, ông Rausch cho biết.

Trong những năm gần đây, Meta - công ty mẹ của các nền tảng truyền thông xã hội Instagram và Facebook, đã bị các nhà lập pháp và phụ huynh chỉ trích vì để trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với những nội dung có hại trên nền tảng của mình, trong đó có nhiều cáo buộc khai thác tình dục trẻ em.

Trước tình hình đó, một số công ty công nghệ đang cố gắng xây dựng trải nghiệm trên điện thoại thông minh và mạng xã hội thân thiện với trẻ em. Năm 2015, Google ra mắt YouTube Kids - một ứng dụng riêng biệt giống YouTube với nội dung thân thiện với trẻ em và có sự kiểm soát của phụ huynh. Hay như gần đây, Apple - nhà sản xuất iPhone, cũng đã ra mắt Apple Watch – một loại đồng hồ dành cho trẻ em còn quá nhỏ để có thể sử dụng smartphone. Thiết bị này sẽ được quản lý bởi iPhone của cha mẹ để có thể giữ liên lạc với con cái mình.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNBC)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

UNICEF: 6 triệu trẻ em ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hôm nay (18/9) cho biết lũ lụt và lở đất chết người do bão Yagi gây ra đã ảnh hưởng đến khoảng 6 triệu trẻ em trên khắp Đông Nam Á, trong khi số người thiệt mạng vì thảm họa này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

UNICEF 6 triệu trẻ em ở Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi bão Yagi
Nâng cao năng lực tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

Ngày 18/9, tại Trường mầm non Thượng Quảng, huyện Nam Đông, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ mầm non cho giáo viên mầm non dạy trẻ em dân tộc thiểu số tại các huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà.

Nâng cao năng lực tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số
Return to top