Thế giới

SOM ASEAN+3: Nghiên cứu, phát triển vaccine COVID-19 an toàn, hiệu quả

ClockThứ Tư, 23/06/2021 09:20
Tại hội nghị, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tích cực các sáng kiến của ASEAN về phòng, chống COVID-19... phát triển và tiếp cận vaccine an toàn, hiệu quả.

Mỹ công bố chia sẻ khoảng 16 triệu liều vaccine COVID-19 với châu ÁHộ chiếu vaccine là vấn đề nóng trong Hội nghị cấp cao ASEAN

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Hội nghị trực tuyến các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN+3 giữa ASEAN với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã được tổ chức ngày 22/6.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam cùng các Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Phó Tổng Thư ký ASEAN tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các nước hoan nghênh những tiến triển tích cực trong hợp tác ASEAN+3, phát huy thế mạnh vốn có trong ứng phó hiệu quả với các tình huống khủng hoảng trong hơn hai thập kỷ qua, phối hợp kịp thời và hiệu quả ứng phó với COVID-19, từ cam kết ở cấp cao nhất tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 về COVID-19 tháng 4/2020, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 tháng 11/2020, đến các kế hoạch hành động và hoạt động hợp tác giúp hai bên duy trì ứng phó dịch bệnh, giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội, thúc đẩy phục hồi toàn diện và phát triển bền vững.

Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ tích cực các sáng kiến của ASEAN về phòng, chống COVID-19, hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu, phát triển và tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả và đồng đều.

Các nước ASEAN đánh giá cao việc Trung Quốc đã dành 100 triệu liều vaccine và sẽ tiếp tục cung cấp vaccine cho các nước ASEAN; Nhật Bản và Hàn Quốc đã đóng góp và tiếp tục cam kết dành lần lượt 1 tỷ USD và 200 triệu USD cho Cơ chế COVAX AMC (Cơ chế tài chính do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng điều hành nhằm viện trợ vaccine cho các nước không đủ khả năng mua vaccine từ các hãng dược-PV) để hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo và đang phát triển.

Các nước ASEAN+3 nhất trí phối hợp chặt chẽ duy trì, tạo thuận lợi trao đổi thương mại, đầu tư, mở rộng kết nối khu vực, từng bước dỡ bỏ hạn chế đi lại giữa các nước trong khu vực khi điều kiện cho phép.

Các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí mở rộng hợp tác với ASEAN trên các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, phục hồi và tăng trưởng xanh nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội và thúc đẩy phục hồi bền vững.

Các nước cam kết tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực, sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, tăng cường hợp tác đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi toàn diện là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam; đề nghị các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ những kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh, hỗ trợ ASEAN tăng cường năng lực sản xuất và mua vaccine kịp thời cho người dân.

Cùng với đó, ASEAN+3 cần triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23 tháng 11/2020 về tăng cường hợp tác ASEAN+3 nhằm nâng cao tự cường kinh tế tài chính trước các thách thức đang nổi lên tại khu vực; trong đó, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, phối hợp các vấn đề tài chính, tiền tệ, tạo thuận lợi cho đi lại của người dân trong khu vực khi điều kiện cho phép.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, là Chủ tịch Nhóm đặc trách sáng kiến liên kết ASEAN (IAI), Việt Nam đề nghị các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển tại các tiểu vùng của ASEAN, trong đó có Mekong, trong bối cảnh bị tác động bởi đại dịch COVID-19.

Chia sẻ ý kiến của các nước tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định là điều kiện tiên quyết tạo thuận lợi cho các nỗ lực phục hồi, tăng trưởng và phát triển bền vững, trong đó cần tăng cường đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top