Theo đó, những lao động nhập cư tới Thái Lan làm việc theo chương trình được ký kết giữa nước này và chính phủ các nước láng giềng như Lào, Myanmar và Campuchia sẽ được gia hạn thời gian cư trú và làm việc tại Thái Lan. Trước đó, những lao động nhập cư này sau khi hết thời gian làm việc sẽ phải quay trở lại nước mình và đăng ký làm thủ tục từ đầu nếu muốn tiếp tục làm việc tại Thái Lan.
Ảnh: Getty
Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu Thái Lan vẫn giữ quy định cũ sẽ dẫn tới tình trạng di chuyển của hàng trăm ngàn người giữa các nước khiến nguy cơ lây lan Covid-19 tăng mạnh. Đặc biệt là từ nước láng giềng Myanmar nơi đang phải vất vả đối mặt với làn sóng thứ hai của dịch.
Theo Bộ trưởng Lao động Thái Lan Suchart thời gian gia hạn chưa được tiết lộ, tuy nhiên, nhiều khả năng cho tới khi hết các nguy cơ lây nhiễm. Bộ trưởng Lao động Thái Lan cho biết thêm, việc các lao động nhập cư phải quay về và làm lại thủ tục ngoài việc chịu nguy cơ cao lây nhiễm bệnh còn phải tiến hành cách ly bắt buộc ở cả hai đầu. Điều này dẫn tới người lao động phải chịu chi phí rất lớn và khó có thể chi trả được cho chuyến đi.
Những lao động nhập cư từ ba nước láng giềng với Thái Lan là Lào, Campuchia và Myanmar ngoài việc phải đáp ứng về nhu cầu sức khoẻ sẽ phải nộp một khoản phí như bình thường để tiếp tục ở lại làm việc. Lao động nhập cư tới Thái Lan chủ yếu làm việc trong các ngành như đánh bắt cá, xây dựng và phục vụ nhà hàng.
Theo VOV