ClockThứ Hai, 29/05/2017 09:07

40 năm Việt Nam gia nhập LHQ: Một điển hình về hợp tác phát triển

Chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29-31/5 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hiệp quốc (1977-2017).

​Đại sứ Nguyễn Hồng Thao trúng cử vào Ủy ban Luật pháp Quốc tế

Việt Nam dự một hội nghị của Tổ chức Lương-Nông Liên Hiệp quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)


Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp quan trọng với Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres và dự Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ tại thành phố New York.

Hỗ trợ hiệu quả công cuộc xây dựng, phát triển của Việt Nam

Việt Nam chính thức gia nhập LHQ ngày 20/9/1977. Kể từ đó, quan hệ của Việt Nam với LHQ ngày càng phát triển. Trong giai đoạn sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, từng bước khôi phục sản xuất. 

Các tổ chức tài trợ chính bao gồm: Chương trình Phát triển LHQ; Chương trình Lương thực thế giới; Quỹ Nhi đồng LHQ; Quỹ Dân số LHQ; Tổ chức Y tế Thế giới... đã hỗ trợ đáng kể cho đầu tư của Chính phủ Việt Nam về các hạng mục phát triển-xã hội, tập trung trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số, kế hoạch hóa gia đình. 

Hợp tác với LHQ góp phần nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy tiến bộ về khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi, xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Trong bối cảnh bị bao vây cấm vận, hợp tác với LHQ tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây.

Trong giai đoạn 1986-1996, Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, các dự án hợp tác của LHQ là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, trình độ cán bộ. LHQ tiếp tục có những đóng góp có giá trị đối với việc nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật, giải quyết các vấn đề xã hội của Việt Nam.

Trong giai đoạn 1997-2000, LHQ dành ưu tiên hỗ trợ cho lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội; cải cách và quản lý phát triển; quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên; điều phối viện trợ, quản lý nhà nước và huy động nguồn lực.

Giai đoạn 2001-2005, LHQ chuyển mạnh hướng hỗ trợ kỹ thuật sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hành chính công, luật pháp, lập kế hoạch đầu tư công, phát triển hệ thống ngân hàng, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác như phòng chống HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quyền bình đẳng nam-nữ...

Những ưu tiên chính trong giai đoạn này là thúc đẩy cải cách, tư vấn trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi nhiều bộ luật quan trọng, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thực hiện Chương trình 135, lồng ghép với việc thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên, nâng cao nhận thức của người dân về môi trường, xây dựng chiến lược, chính sách, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường, đa dạng sinh học.

Góp phần giải quyết các vấn đề chung toàn cầu

Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn LHQ làm cơ sở tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống LHQ, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế.

Nổi bật là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996. 

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ tham dự Kỳ họp lần thứ 34 Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. (Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN)


Ngoài ra, Việt Nam sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị lớn như: Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 2000 , năm 2005, năm 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, năm 2003...

Sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại LHQ, đó là việc Việt Nam tham gia ứng cử và được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ nhiệm kỳ năm 1997; thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nhiệm kỳ 1997-1999; được bầu vào Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Nhân quyền của LHQ tháng 5/2000; bầu vào Ban Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa tháng 10/2001; Ủy viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế năm 2003.

Việt Nam đồng thời là thành viên Hội đồng Điều hành của Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số LHQ; thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016). Tháng 6/2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ thu hút viện trợ của các tổ chức phát triển LHQ mà còn chủ động xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức này. Mô hình hợp tác 3 bên (ban đầu giữa Việt Nam, FAO, Senegal về trồng lúa) đã được mở rộng và áp dụng rộng rãi, được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam-Nam. Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức phát triển LHQ thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên Hiệp quốc," được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao.

Trong giai đoạn hợp tác 2012-2016, một cấu phần quan trọng của Sáng kiến Thống nhất Hành động-Một Liên Hiệp quốc là Một Ngôi nhà chung, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung LHQ tại Hà Nội. Đây là Ngôi nhà chung LHQ đầu tiên thân thiện với môi trường, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức LHQ tại Việt Nam. 

Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và LHQ giai đoạn 2017-2021 trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên Hiệp quốc cơ bản được xây dựng xong, đã trình Chính phủ Việt Nam chờ chính thức thông qua. Chương trình này tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Sự hợp tác giữa Việt Nam và LHQ là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên LHQ, cũng như về vai trò của LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo. 

Sự hợp tác này đã đạt được những kết quả tốt, có tác dụng tích cực, đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới./.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
ATIA: Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy, người dân nước này đang tiếp tục đi du lịch với số lượng kỷ lục, trong đó Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng hàng đầu. ATIA cho biết chỉ riêng trong tháng 10/2024, đã có 1,66 triệu người Australia khởi hành đến các điểm đến quốc tế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ATIA Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh
Return to top