Người dân xếp hàng chờ lấy nước ở khu vực hạn hán của Ấn Độ. Ảnh: Indiatimes
Imrat Namdev và người em gái Pushpa Namdev là hàng xóm ở huyện Chhatarpur, thuộc khu vực bị hạn hán nghiêm trọng Bundelkhand, Ấn Độ. Cả hai đều dựa vào cùng một giếng nước và, theo cảnh sát, thường xuyên cãi nhau về lượng nước người kia sử dụng.
Tháng 5/2016, trong một “cuộc chiến” tranh giành nguồn nước, bà Pushpa, 42 tuổi, đã dùng gậy đánh chị gái Imrat, 48 tuổi. Nạn nhân bị thương được đưa tới bệnh viện, nhưng không qua khỏi, và Pushpa bị buộc tội giết người.
"Làng chúng tôi phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sạch", con trai của bà Imrat nói, "dì Pushpa luôn cảm thấy mẹ tôi dường như lấy nhiều nước từ giếng hơn dì".
Khi các vùng phía Bắc và miền Trung Ấn Độ tiếp tục hứng chịu hạn hán nghiêm trọng và cái nóng đến mức ngột ngạt, cảnh sát ở Bundelkhand và một số khu vực khác cho biết có sự gia tăng bạo lực không nhỏ - và thường gây tử vong – do các cuộc đụng độ tranh giành nguồn nước.
Sau gần 10 năm có lượng mưa dưới mức trung bình và nhiều năm liên tiếp gánh chịu hạn hán, sông, hồ và các giếng trong khu vực này đang khô cạn dần.
Tranh chấp là một vấn đề phổ biến tại nhiều nơi ở Ấn Độ trong bối cảnh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Tuy nhiên, cảnh sát Ấn Độ cho biết, các “cuộc chiến” ngày càng trở nên thường xuyên và đẫm máu hơn. Ở nhiều nơi trên đất nước này, hàng xóm, bạn bè và gia đình đang quay lưng lại với nhau, để bảo vệ nguồn nước ít ỏi còn lại trong tuyệt vọng, những ghi nhận của cảnh sát cho thấy.
Tháng trước, ở huyện Alirajpur của Madhya Pradesh, bé Surmada 13 tuổi, anh trai và chú của cô bé đã dùng máy bơm tay của hàng xóm mà không xin phép, để lấy nước cho người khách của gia đình. Ngay sau đó, người chủ máy bơm và con trai của ông đã tấn công họ bằng các mũi tên. Một trong số đó đâm mắt của Surmada, khiến cô bé thiệt mạng.
Ông Lal Singh Arya, Bộ trưởng quản lý và phát triển đô thị của Madhya Pradesh, nói rằng chính phủ đang sử dụng tất cả các nguồn lực của mình để cố gắng đảm bảo cho mọi người dân đều có nước. Nhưng ông dự đoán căng thẳng sẽ vẫn ở mức cao cho đến khi xuất hiện những cơn mưa gió mùa.
"Đã có những tranh chấp về nguồn nước ở nhiều khu vực trên cả nước vì hạn hán suốt 2 mùa liên tiếp", ông nói, và tin rằng "tình hình sẽ được cải thiện với những cơn mưa gió mùa".
Chỉ được dùng nước để uống
Các nhà hoạt động nói rằng sự thất bại của chính phủ trong việc hành động để quản lý nguồn nước tốt hơn là một phần nguyên nhân cho tình trạng gia tăng bạo lực.
"Cuộc khủng hoảng hiện nay là hậu quả của việc tiêu thụ quá mức, sử dụng lãng phí và các hệ thống quản lý nguồn nước kém hiệu quả", ông Ajay Dubey - một nhà hoạt động với tổ chức phi chính phủ về môi trường Prayatna, có trụ sở tại bang Madhya Pradesh cho biết.
Theo bộ phận phụ trách nguồn nước của Madhya Pradesh, trong số 139 hồ chứa chính của bang, 82 hồ chỉ hoạt động với công suất 10% và 22 hồ trống rỗng. Khi chính quyền đang cố gắng để duy trì nguông nước còn lại cho đến khi các cơn mưa gió mùa giúp đổ đầy các hồ chứa, thì các biện pháp mà họ thực hiện chỉ làm trầm trọng thêm cảm giác tuyệt vọng.
Ở hầu khắp các khu vực, chính quyền đã cấm việc sử dụng nước để rửa xe ô tô hoặc xe tải, tắm gia súc hoặc tưới cây. Trong hầu hết các thành phố ở bang Madhya Pradesh, chính quyền địa phương chỉ có thể cung cấp nước uống cho những người cạn kiệt nguồn nước.
Chính quyền huyện Sehore ở Madhya Pradesh phải tạm thời thu phí đối với tất cả các nguồn nước, cho dù là của chính phủ hay tư nhân, để có thể quản lý việc sử dụng nguồn tài nguyên đang cạn kiệt này. Và trong3 thị trấn ở bang Madhya Pradesh, việc sử dụng nước cho bất cứ mục đích gì khác ngoài việc uống nước đều bị cấm.
Lokesh Kumar, một quan chức của thị trấn Ichhawar cho biết, nước không thể được sử dụng cho nông nghiệp hoặc các mục đích công nghiệp cho đến ngày 5/7, khi gió mùa đang xuất hiện, và chính quyền hy vọng nguồn nước sẽ được bổ sung.
Đối với nhiều người ở nông thôn Ấn Độ, cuộc đấu tranh để tồn tại với nguồn nước khan hiếm đang cho thấy quá nhiều khó khăn. Trong các vùng như Bundelkhand, ngày càng có nhiều người phải rời khỏi quê nhà và từ bỏ công việc của mình với hy vọng tìm được nguồn nước - thậm chí chỉ cần có thêm một chút - ở một nơi khác.
Ông Asandi Das, người sống trong một ngôi làng ở huyện Chhatarpur, dự kiến sẽ đưa gia đình đến Agra, nằm ở bang phía bắc của bang Uttar Pradesh. Ông cho biết, gia đình ông giờ đây không có cả thức ăn lẫn nước uống. Mặc dù biết rằng điều đó sẽ không dễ dàng gì ngay cả ở Agra - hoặc bất cứ nơi nào khác - nhưng ông hy vọng sẽ có thể kiếm sống được.
"Chúng tôi sẽ không thể tồn tại ở làng của mình được nữa", ông Das nói. "Ở đó không có nước. Chúng tôi sẽ phải đi đến một nơi khác nếu chúng tôi muốn sống".
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Peacenews)