ClockThứ Bảy, 27/08/2016 08:50

Ấn Độ: Lũ lụt làm tăng nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị bán làm nô lệ

TTH.VN - Các tổ chức từ thiện hoạt động trong các khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất do lũ lụt ở Bihar và Uttar Pradesh cho biết, nạn buôn bán người đã lan rộng như là hậu quả của các thảm họa trước đó.

Một trận lũ lụt ở Ấn Độ . Ảnh: Reuters

Phụ nữ và trẻ em ở khu vực phía đông bị lũ lụt của Ấn Độ đang có nguy cơ trở thành “con mồi” của những kẻ buôn người khi bị bán làm nô lệ trong gia đình của tầng lớp trung lưu, các nhà hàng và cửa hiệu, và thậm chí cả các nhà thổ, các nhân viên cứu trợ ngày hôm qua  (26/8) lên tiếng cảnh báo.

Những cơn mưa lớn trong mùa mưa khiến sông Hằng và các nhánh của nó bị tràn bờ, buộc hơn 200.000 người phải di tản đến các trại cứu trợ ở các bang Bihar, Uttar Pradesh, Madhya Pradesh, Rajasthan và Uttarakhand.

Cơn đại hồng thủy đã khiến ít nhất 300 người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi làng ngập bùn lầy và gạch đá, đồng thời cũng tàn phá cả vùng đất nông nghiệp rộng lớn - làm ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp 5 tiểu bang.

Các tổ chức từ thiện hoạt động trong các khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất do lũ lụt ở Bihar và Uttar Pradesh cho biết, nạn buôn bán người đã lan rộng như là hậu quả của các thảm họa trước đó trong khu vực, chẳng hạn như trận động đất năm ngoái ở nước láng giềng Nepal và lũ lụt ở bang Bihar vào năm 2008.

"Trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong trường hợp khẩn cấp - nhất là trong các trận lũ lụt, khi các gia đình buộc phải di chuyển đến vùng đất cao hơn, rời bỏ nhà cửa của mình trong một thời gian dài", ông Thomas Chandy - Giám đốc điều hành của tổ chức Save the Children Ấn Độ cho biết.

"Trong khi cha mẹ của đứa trẻ có thể không luôn luôn ở cạnh chúng, và với sự có mặt của nhiều người lạ, các mối đe dọa về lạm dụng tình dục và buôn bán trẻ em là rất cao. Có những nhóm tội phạm được tổ chức để nhanh chóng nắm bắt cơ hội lợi dụng những hoàn cảnh đặc biệt của trẻ em".

Nam Á là khu vực có nạn buộn người phát triển nhanh nhất và lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Đông Nam Á, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống ma túy và tội phạm cho biết.

Theo Chỉ số Nô lệ trên toàn cầu năm 2016 được tổ chức Walk Free Foundation công bố mới đây, chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm khoảng 40% trong tổng số 45,8 triệu nô lệ được ước tính trên toàn thế giới.

Hàng ngàn trẻ em, chủ yếu là từ các vùng nông thôn nghèo, được đưa lên thành phố mỗi năm bởi các băng nhóm buôn người và bị bán làm lao động như những công nhân trong các lò gạch, các quán ăn nhỏ bên đường hoặc xưởng thêu dệt quy mô nhỏ. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái thậm chí bị bán vào nhà thổ.

Các chuyên gia nói rằng, sau thiên tai nạn buôn người đã trở nên phổ biến ở Nam Á. Sự tan vỡ của các tổ chức xã hội trong khu vực bị tàn phá bởi thiên tai gây khó khăn cho việc đảm bảo nguồn cung lương thực và các hỗ trợ nhân đạo khác, khiến phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bắt cóc, bóc lột tình dục và bị bán làm nô lệ.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Globalheadlines)

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày Trẻ em thế giới (20/11):
UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em

Sự thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, và quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng có nguy cơ tạo ra một tương lai ảm đạm cho trẻ em vào giữa thế kỷ 21, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trong một báo cáo thường niên, được công bố vào Ngày Trẻ em thế giới (20/11).

UNICEF chỉ ra những xu hướng lớn sẽ tác động đến cuộc sống của trẻ em
Return to top