Nhìn chung, mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN – Đức không gây nhiều chú ý đối với dư luận, song người dân các nước trong khu vực Đông Nam Á đang bắt đầu chú ý, tin tưởng nhiều hơn vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cùng lúc mở rộng đón nhận nhiều dòng đầu tư mới từ quốc gia này.
ASEAN – Đức tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác. Ảnh: ASEAN
Đẩy mạnh đầu tư
Trong hệ thống giao thông vận tải phức tạp ở một số khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia), không khó để người dân bắt gặp sự xuất hiện ngày càng dày đặc của các hãng xe Đức. Nhận thấy được tiềm năng tại thị trường này, Chính phủ và các doanh nghiệp Đức không chỉ tập trung đầu tư xuất khẩu nhiều dòng xe di chuyển hiện đại, mà còn đẩy mạnh triển khai hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác như: kỹ thuật, năng lượng, hóa học và máy móc chế tạo...
Theo dữ liệu chính thức từ Ban thư ký ASEAN, chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Đức sang Đông Nam Á đã tăng gấp 6 lần, từ 67,6 triệu USD vào năm 2014 lên thành 408,8 triệu USD vào năm 2015. Bắt đầu từ thời điểm này, các công ty chủ lực của Đức bao gồm: BASF, Henkel và Osram Opto Semiconductor đều xác nhận mở rộng hoạt động hoặc thành lập nhiều cơ sở kinh doanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á, về lâu dài cũng tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp một lượng lớn công việc cho người dân 10 nước ASEAN.
Thêm vào đó, Đức cũng là một trong những nước nỗ lực nhiều nhất để hỗ trợ hình thành một cộng đồng ASEAN gắn kết, thông qua việc triển khai nhiều chương trình do nhà nước hỗ trợ nhằm tăng hiệu suất năng lượng, lâm nghiệp, phát triển hoạt động của các cảng biển và nông nghiệp.
Xét về từng lĩnh vực, mức độ đầu tư của Đức tập trung nhiều nhất vào kế hoạch phát triển năng lượng ở Đông Nam Á. Cụ thể, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã và đang chủ động hợp tác với Trung tâm năng lượng ASEAN (ACE) để tiến hành nghiên cứu, hỗ trợ phát triển mục tiêu về năng lượng tái tạo của ASEAN. Với những phát kiến mới của các tổ chức, nhiều mô hình bền vững cho các dự án điện khí hóa tại khu vực nông thôn đã được thiết lập, không những đem lại lợi ích lớn cho người dân, mà còn mang lại cơ hội đầu tư cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thắt chặt mối quan hệ
Vừa qua, lãnh đạo hai bên đã thống nhất thông qua khuôn khổ hợp tác trong tương lai dưới tên gọi Khu vực hợp tác thực tiễn (PCA) để phát triển quan hệ giữa hai bên ASEAN – Đức trong giai đoạn 2018 – 2022. Biên bản này được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho giai đoạn phát triển một mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai bên, đồng thời tạo ra một điểm khởi đầu hữu ích để khám phá và khai thác những lĩnh vực hợp tác mới, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với ba định hướng phát triển xuyên suốt của cộng động ASEAN.
Sau khi hiệp định thương mại tự do ASEAN – EU chính thức được phê chuẩn vào thời gian tới, tầm ảnh hưởng và đóng góp của Đức đến khu vực Đông Nam Á sẽ ngày càng được khẳng định. Đối với các doanh nghiệp sớm nhận ra tiềm năng này, cơ hội phát triển có thể đạt đến vô tận.
Hạnh Nhi (Lược dịch từ The ASEAN Post)