ClockThứ Ba, 06/12/2016 09:28

Biến động chính trường thế giới năm 2016 qua một bức ảnh

Tháng 4 vừa qua, lãnh đạo 5 nước gồm Anh, Pháp, Đức, Italy và Mỹ đã cùng xuất hiện trong một bức ảnh chụp chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hanover, Đức. Tuy nhiên, tại những hội nghị sắp tới, có thể sẽ chỉ còn 1 người trong số họ tham gia sau những biến động bất ngờ của chính trường thế giới gần đây.

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron từ bỏ chính trườngAnh bỏ phiếu rời EU, Thủ tướng Cameron tuyên bố từ chứcBà Angela Merkel sẽ tranh cử Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tưTổng thống Pháp François Hollande sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ II

 

Từ trái qua phải: Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong bức ảnh chụp chung hồi tháng 4 (Ảnh: White House)
Từ trái qua phải: Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong bức ảnh chụp chung hồi tháng 4 (Ảnh: White House)

Bức ảnh trên do Pete Souza, nhiếp ảnh gia chính thức của Nhà Trắng, chụp vào ngày 25/4 trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của 5 nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ tại Hanover (Đức). Trong bức ảnh này, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi trò chuyện vui vẻ cùng nhau ở bên ngoài một căn phòng.

Bức ảnh cho thấy một phần của tình hình chính trường thế giới vào thời điểm cuối tháng 4. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi hơn 7 tháng qua và tại hội nghị thượng đỉnh trong những lần tới, có thể sẽ chỉ còn duy nhất 1 trong số 5 nhà lãnh đạo trên có thể tiếp tục tham gia với tư cách đại diện của một quốc gia.

Người rời ghế sớm nhất trong số 5 lãnh đạo trong bức ảnh trên là Thủ tướng Anh David Cameron. Ông Cameron đã từ chức hồi tháng 6 sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) được công bố. Theo đó, cùng với việc 51,8% người dân Anh ủng hộ việc Anh tách ra khỏi EU, Thủ tướng Cameron cũng tuyên bố từ chức và nhường ghế cho bà Theresa May. Anh rời EU cũng là một trong những sự kiện nổi bật của chính trường thế giới năm nay.

Lãnh đạo thứ hai xuất hiện trong bức ảnh trên là Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo kế hoạch, ông Obama sẽ rời Nhà Trắng vào tháng 1/2017 sau 8 năm làm ông chủ Nhà Trắng. Người kế nhiệm ông là tỷ phú Donald Trump, người vừa giành chiến thắng đầy bất ngờ trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 11 dù trước đó ông không được đánh giá cao trong các cuộc thăm dò dư luận.

Tương tự người đồng cấp Mỹ Obama, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng sẽ rời nhiệm sở vào năm tới sau khi cuộc bầu cử tổng thống Pháp kết thúc. Hồi tháng 11, ông Hollande tuyên bố sẽ không tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 giữa lúc tỷ lệ ủng hộ của người dân dành cho ông ở mức rất thấp, chưa đầy 10%. Các ứng viên tổng thống Pháp tranh cử năm 2017 hiện cũng đang tích cực chuẩn bị cho cuộc chạy đua sắp tới.

Trong một động thái gây bất ngờ cho dư luận, Thủ tướng Italy Matteo Renzi ngày 5/12 tuyên bố ông sẽ nộp đơn xin từ chức sau 2 năm cầm quyền. Quyết định của ông Renzi được đưa ra sau khi đề xuất cải cách hiến pháp do ông đề xướng không vượt qua được cuộc trưng cầu dân ý tại Italy mới đây. Việc Thủ tướng Renzi từ chức làm dấy lên lo ngại về một giai đoạn bất ổn chính trị mới, thậm chí có thể gây ra sự xáo trộn về kinh tế tại Italy. Giới phân tích cho rằng đây là sẽ là cú sốc mới cho EU sau các cuộc khủng hoảng trong năm nay.

Trong bức ảnh trên, chỉ duy nhất Thủ tướng Đức Angela Merkel chưa có kế hoạch rời nhiệm sở. Sau 11 năm cầm quyền, bà Merkel tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử tại Đức vào năm tới. Nhà lãnh đạo Đức từng nói rằng bà đã suy nghĩ rất lâu trước khi đưa ra quyết định tái tranh cử. Bà Merkel hiện phải đối mặt với sức ép từ phe dân túy với lập trường phản đối châu Âu cũng như chỉ trích chính sách tị nạn của bà.

Theo Dantri

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top