Thứ Sáu, 28/09/2018 22:20
(GMT+7)
Cá voi sát thủ đối mặt với nguy cơ tiệt chủng do ô nhiễm chất độc ở đại dương
TTH - Kết quả của một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Science chỉ ra rằng, ước tính có đến 1/2 số lượng cá voi sát thủ trên thế giới đã và đang bị giết hại do ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm hóa chất nghiêm trọng và dai dẳng tại các đại dương.
Hóa chất độc hại ảnh hưởng lớn đến quần thể cá voi sát thủ trên thế giới. Ảnh: The Guardian
Trước những nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe, trong đó hóa chất độc hại (PCBs) được chứng minh là gây ra ung thư ở động vật, PCBs đã bị cấm sử dụng trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, hiện các chuyên gia cho biết một lượng lớn hóa chất vẫn tiếp tục tồn tại, rò rỉ ra biển, tích tụ trong chuỗi thức ăn của động vật và khiến cá voi sát thủ - một trong những kẻ săn mồi hàng đầu trở thành loài động vật chịu ảnh hưởng nhất trên hành tinh.
Được biết, nồng độ PCBs tìm thấy ở cá voi sát thủ cao gấp 100 lần so với mức độ an toàn, điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến cơ quan sinh sản, gây ung thư và làm hỏng hệ miễn dịch của cá. Trong đó, quần thể cá voi ở Vương Quốc Anh đối mặt với nguy cơ tiệt chủng cao nhất. Ngoài ra, những cá thể sống ngoài khơi Nhật Bản, Brazil và đông bắc Thái Bình Dương cũng đang gặp nguy hiểm lớn.
Trong trường hợp này, Phó giám đốc nhóm bảo tồn Orca Lucy Babey nhấn mạnh, điều cần thiết lúc này là yêu cầu xử lý hóa chất độc hại PCBs một cách an toàn theo nội dung sửa đổi với ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn của Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy để ngăn chặn vụ bê bối này. Trong bối cảnh tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, nhiều khả năng quần thể cá voi sát thủ sinh sống ngoài khơi các nước công nghiệp sẽ biến mất sau 30 – 50 năm tới.
HẠNH NHI
(Lược dịch từ The Guardian)