Máy bay được sản xuất tại một nhà máy lắp ráp của hãng Boeing ở tiểu bang Nam Carolina, Mỹ. Ảnh: AFP
Trong khi đó, Thái Lan và Malaysia mong muốn thu hút các ngành công nghiệp từ nước ngoài, với hy vọng phát triển nền kinh tế trong nước. Đây là cơ hội cho những công ty quy mô nhỏ và vừa của Nhật Bản sản xuất bộ phận máy bay hoặc cung cấp các dịch vụ khác để bắt đầu hoạt động trong khu vực.
Cụ thể, Thái Lan đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm bảo trì, sửa chữa và đại tu (MRO) máy bay tại một đặc khu kinh tế; trong bối cảnh nhu cầu về các dịch vụ MRO đang tăng lên do sự gia tăng của số lượng máy bay hoạt động trong khu vực.
Chính phủ Thái Lan hy vọng, các công ty Nhật Bản sẽ giúp xây dựng một trung tâm cho ngành công nghiệp máy bay theo cách mà họ đã làm cho ngành công nghiệp ô tô, một yếu tố góp phần vào sự phát triển kinh tế của Thái Lan.
“Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã bắt đầu kinh doanh tại Đông Nam Á trước khi những nhà sản xuất khác dẫn đầu sự phát triển của ngành sản xuất ô tô ở đó. Trong sản xuất máy bay cũng vậy, chúng tôi muốn học hỏi từ những kỹ năng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, khả năng đào tạo nhân viên duy trì chất lượng và các thuộc tính khác”, một Phó Tổng thư ký phụ trách các dự án đặc khu ở Thái Lan nhận định.
Đáng chú ý, theo Tập đoàn Phát triển Máy bay Nhật Bản, khối lượng vận tải hành khách hàng không ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã vượt qua Bắc Mỹ và châu Âu trong năm 2017.
Hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và những hãng khác ước tính, thế giới sẽ cần khoảng 40.000 máy bay trong 20 năm tới, hầu hết trong số đó sẽ được cung cấp cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các công ty Nhật Bản hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu này, bằng cách nhanh chóng xây dựng một mạng lưới cung ứng linh kiện, tận dụng khả năng cạnh tranh về chi phí của khu vực.
Bên cạnh đó, những quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang cố gắng thu hút doanh nghiệp liên quan đến máy bay từ nước ngoài, một động thái dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ trong khu vực.
Singapore hiện đang dẫn đầu trong việc thu hút vốn nước ngoài trong lĩnh vực MRO, khi sân bay trung tâm của quốc gia này đón hơn 65 triệu khách hàng năm.
Malaysia và Indonesia đang tích cực cố gắng tăng cường đầu tư từ nước ngoài, bằng cách làm nổi bật những lợi thế của họ, như ưu đãi dành cho đầu tư nước ngoài và chi phí lao động thấp.
“Các doanh nghiệp MRO giúp phát triển những ngành liên quan, như sản xuất linh kiện và tạo việc làm”, một quan chức từ Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia khẳng định.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ The Jakarta Post)