Chủ Nhật, 18/03/2018 14:47
(GMT+7)
Cần chi hàng tỷ USD cho các kỹ thuật làm chậm quá trình tan băng
TTH.VN - Các nhà khoa học cho biết các bức tường dưới đáy biển và đảo nhân tạo là một số các dự án được yêu cầu triển khai khẩn cấp để tránh sự tàn phá của lũ lụt cấp độ toàn cầu.
Vịnh Jakobshavn ở phía Tây Greenland, nơi các nhà khoa học đề xuất xây bức tường cao 100m để tránh nước biển ấm thâm nhập. Ảnh: Bob Strong/REUTERS
Theo các nhà khoa học ở Phần Lan và Hoa Kỳ, các ý tưởng được đưa đặc biệt nhắm tới các sông băng ở Greenland và Nam Cực bởi chúng đóng vai trò chủ yếu trong việc khiến mực nước biển tăng lên trong thế kỷ này. Các đề xuất của họ bao gồm:
• Xây dựng một bức tường cao 100m dưới đáy biển xuyên qua con vịnh rộng 5km ở cuối sông Jakobshavn, phía Tây Greenland. Bức tường sẽ giảm bớt sự thâm nhập của nước biển ấm vốn đang làm xói mòn nền móng của sông băng;
• Xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở phía trước các sông băng ở Nam Cực để củng cố và hạn chế sự sụp đổ của chúng khi băng tan;
• Đưa nước muối nồng độ cao xuống bên dưới các sông băng như sông băng Pine Island ở Nam Cực - để tránh nền móng của chúng tan ra và trượt xuống biển.
Trong mỗi lựa chọn, các nhà khoa học thừa nhận rằng chi phí sẽ là hàng tỷ đô la. Việc xây dựng cũng có thể gây ra các tác động đáng kể. Ví dụ, xây dựng một đập nước qua vịnh Jakobshavn có thể ảnh hưởng đến sinh thái, thủy sản và du lịch, và cần một số lượng công nhân được đưa tới công trường.
"Các nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt đối với các hệ sinh thái địa phương, cần được phân tích cẩn thận", họ kết luận. "Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, nguy cơ lớn nhất là không làm gì cả”.
Thế Vĩnh (Lược dịch từ The Guardian)