Thứ Tư, 20/03/2019 21:15
(GMT+7)
Đưa công nghệ vào giáo dục ở Đông Nam Á
TTH - Công nghệ giáo dục (edtech) đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á nhờ nền tảng lấy người học làm trung tâm. Những công cụ kỹ thuật số như các ứng dụng, sách điện tử, trang web, câu đố, phương tiện truyền thông trực tuyến, hướng dẫn trực tuyến, video và những tài liệu khác giúp mở ra con đường mới trong giáo dục ở Đông Nam Á, bằng cách cung cấp nội dung và các bài học chất lượng ở những nơi từng không thể tiếp cập.
Trong khi các công ty như HarukaEdu (Indonesia), Topica (Việt Nam) và Cialfo (Singapore) cung cấp những khóa học cấp cao, thì có nhiều công ty khác như Taamkru (Thái Lan), Ruangguru (Indonesia) và Classruum (Malaysia) cung cấp các bài học và hướng dẫn cho học sinh mầm non và tiểu học.
Tỷ lệ truy cập Internet cao hơn và số lượng người dùng điện thoại thông minh ngày càng tăng tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp edtech ở Đông Nam Á. Trên toàn cầu, thị trường edtech được dự báo sẽ tăng trưởng 17% mỗi năm và dự kiến đạt trị giá tới 252 tỷ USD đến năm 2020.
Theo Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu giai đoạn 2017-2018 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), 264 triệu trẻ em đã bị từ chối tiếp cận giáo dục trong năm 2017. Ngân sách eo hẹp dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp và giáo viên được đào tạo, khiến trẻ em không có được chất lượng giáo dục mà chúng cần.
Đáng chú ý, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở vùng nông thôn Đông Nam Á, nơi thiếu sự phát triển cùng sự khan hiếm của các giáo viên được đào tạo, góp phần khiến trẻ em không được tiếp cận giáo dục mà chúng xứng được nhận.
Edtech có thể giúp lấp đầy những khoảng trống này, cũng như đáp ứng Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 của Liên Hiệp Quốc, nhằm đảm bảo giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người đến năm 2030.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ The ASEAN Post)