Cậu bé ra đời từ ngày 6/4 nhưng thông tin được giữ kín đến tận ngày 27/9 mới được công bố trên tờ New Scientist. Sau 5 tháng chào đời, các chuyên gia nhận định cậu bé phát triển khỏe mạnh và không có bệnh tật gì.
Cậu bé có ADN thông thường từ cha và mẹ và thêm với một ít mã di truyền của một người hiến tặng. Các bác sĩ thực hiện bước tiến chưa từng có này để giúp cậu bé không bị mắc căn bệnh di truyền từ người mẹ quốc tịch Jordan.
Các chuyên gia cho rằng thành tựu mới này báo hiệu một kỷ nguyên mới trong y học và có thể giúp các gia đình khác tránh khỏi những căn bệnh truyền nhiễm hiếm gặp. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng cần kiểm tra nghiêm ngặt kĩ thuật sinh sản mới, có tên gọi hiến ti thể, gây tranh cãi này.
Bác sĩ John Zhang và bé trai đầu tiên có 3 ADN. Ảnh: New Hope Fertility Centre
Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học tạo ra các em bé có ADN từ 3 người khi bước đột phá này bắt đầu từ cuối những năm 1990. Nhưng hiện tại đây là phương pháp hoàn toàn mới và rất quan trọng.
Ti thể là những cấu trúc nhỏ xíu bên trong gần như mọi tế bào của cơ thể, có nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng sử dụng được. Một vài phụ nữ mắc những khuyết tật di truyền trong ti thể và có thể truyền sang con.
Trong trường hợp của gia đình người Jordan trên, người mẹ mắc phải một rối loạn mang tên Hội chứng Leigh, có thể gây tử vong đối với bất kì bào thai nào. Trước khi cậu bé có 3 ADN được sinh ra, họ đã sảy thai 4 lần và mất thêm 2 đứa con, một bé 8 tháng và một bé 6 tuổi.
Đội ngũ bác sĩ của Mỹ đã đến Mexico để giúp gia đình trên. Họ lấy tất cả các ADN quan trọng từ trứng của người mẹ cộng với ti thể khỏe mạnh từ trứng của người hiến tặng để tạo ra trứng mới rồi thụ tinh với tinh trùng của người cha.
Kết quả là em bé ra đời với 0,1% ADN từ người hiến và tất cả các mã di truyền như màu tóc và mắt từ cha mẹ. Bác sĩ John Zhang, giám đốc y khoa tại Trung tâm Sinh sản New Hope ở TP New York – Mỹ, cùng với các đồng nghiệp đã sử dụng phương pháp mới trên để tạo ra 5 phôi nhưng chỉ có một trong số đó phát triển bình thường.
Phương pháp hiến ti thể có thể giúp các gia đình tránh lây bệnh di truyền sang con. Ảnh: PA
Trong khi rất nhiều chuyên gia chào đón tin vui về ca sinh sản trên, một vài người tỏ ra lo ngại về việc đội ngũ bác sĩ trên rời khỏi Mỹ để làm việc, ngoài tầm với của bất kì khuôn khổ pháp lý nào và không công bố thông tin chi tiết về quá trình.
Một vài người đặt câu hỏi liệu có phải chúng ta chỉ được nghe về câu chuyện thành công còn những nỗ lực thất bại đều bị giấu đi. Nhiều nhà chỉ trích cho rằng hành động của đội ngũ y bác sĩ tại trung tâm New Hope là vô trách nhiệm.
Bác sĩ David King từ nhóm Human Genetics Alert bày tỏ: “Thật quá đáng khi họ chỉ đơn giản lờ đi cách tiếp cận thận trọng của Mỹ và tới Mexico bởi vì họ cho rằng mình giỏi hơn. Kể từ khi nào mà khái niệm đơn thuần “cứu mạng là điều đạo đức” lại trở thành cách tiếp cận y đức cân bằng, đặc biệt là khi chẳng có mạng sống nào được cứu cả?”.
Bác sĩ Zhang cùng nhóm các y bác sĩ cho biết họ sẽ trả lời những câu hỏi này khi trình bày các phát hiện tại buổi họp của Hiệp hội Y học Sinh sản vào tháng 10.
Theo Người lao động