|
Giáo hoàng Francis. (Nguồn: Getty Images)
|
Trong thông điệp trước chuyến đi của Giáo hoàng, Quốc vụ khanh Tòa thánh Pietro Parolin khẳng định Giáo hội Công giáo có trách nhiệm phải cáo giác tội ác.
Ông Parolin nói: "Sự có mặt của Giáo hoàng ở Mexico sẽ giúp khôi phục trong cuộc sống hàng ngày sự thương xót. Nhà thờ cần phải lên tiếng chống lại cái ác, chống lại những hiện tượng xấu xa trong xã hội, như tham nhũng, buôn lậu ma túy, bạo lực và tội ác."
Trong chuyến đi này, Giáo hoàng sẽ tới thủ đô Mexico City; thăm khu định cư Ecatepec, một trong những điểm nóng về tội phạm và thất nghiệp ở cách Mexico City 30 km; tới Chiapas, nơi tiếp giáp với Guatemala ở biên giới phía Nam của Mexico và là vùng nghèo nhất nước này, và cuối cùng, tới Ciudad Juarez ở gần biên giới với Mỹ, từ lâu nay được coi là một trong những nơi nguy hiểm nhất. Tại các điểm này, Giáo hoàng sẽ nói về những vấn đề lớn của Mexico, từ tham nhũng, khủng hoảng kinh tế, vấn đề về người vượt biên trái phép sang Mỹ cho đến tội ác của các băng đảng ma túy. Mexico, đất nước có 120 triệu dân, là nước có số lượng người theo Công giáo lớn thứ hai ở châu Mỹ, sau Brazil.
Tuy nhiên, chuyến đi này của Giáo hoàng còn được chú ý ở một chi tiết khác. Ngài sẽ gặp đức Thượng phụ đạo Chính thống giáo Kirill ở sân bay La Habana, Cuba, trong ngày 12/2. Cuộc gặp này được cho là có ý nghĩa lịch sử, bởi nó đánh dấu sự ấm dần lên trong quan hệ giữa Công giáo và Chính thống giáo sau gần 1.000 năm chia rẽ và xung đột kể từ sự kiện Đại ly giáo vào năm 1054.
Theo nhiều nhà phân tích, cuộc gặp này đánh dấu một bước quan trọng trong quan hệ giữa hai giáo hội Phương Tây và Phương Đông. Quan hệ giữa Vatican và Giáo hội Chính thống Nga tới gần đây vẫn rất xấu, khi Giáo hội Chính thống tố cáo Vatican tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình ở các nước Slave, dẫn đến mối quan hệ giữa Vatican với Nga xấu đi. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã không dự tang lễ của Giáo hoàng John Paul II năm 2005 vì lý do này.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Vatican và Nga đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, sau khi Tòa thánh thể hiện quan điểm gần gũi với Nga trong vấn đề Syria. Hai giáo hội cũng đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, như sự gia tăng của chủ nghĩa thế tục ở châu Âu cũng như việc người Công giáo bị truy bức ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông./.
Theo Vietnam+