Toàn bộ 8 kiến nghị được các nghị sĩ Anh đưa ra để bỏ phiếu trong ngày 27/3 đều nhận phải sự phản đối của đa số nghị sĩ Anh, trong lúc đó bà Theresa May hứa sẽ từ chức Thủ tướng Anh nếu Hạ viện Anh ủng hộ bản thoả thuận Brexit mà chính phủ của bà đã đàm phán với EU.
Trong ngày 27/3, các nghị sĩ Anh đã tiến hành hàng loạt các phiên tham vấn để rút gọn 16 kiến nghị đưa ra trước đó xuống còn 8 kiến nghị để tiến hành bỏ phiếu chỉ thị về Brexit.
|
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: CNN) |
Kết quả, sau các phiên bỏ phiếu vào tối muộn ngày 27/3 theo giờ London, toàn bộ 8 kiến nghị được các nghị sĩ Anh đưa ra đều bị đa số nghị sị bác bỏ, trong đó có cả kiến nghị của Công đảng đối lập Anh về việc thiết lập Liên minh hải quan và một quan hệ kinh tế chặt chẽ với EU. Ngoài ra, các kiến nghị về việc rời EU mà không có thoả thuận hay huỷ bỏ Brexit đều nhận chịu thất bại với số phiếu cách biệt lớn.
Kết quả này cho thấy, bất chấp việc đã giành quyền điều khiển tiến trình Brexit từ tay chính phủ Anh trong ngày 27/3, Hạ viện Anh vẫn không thể thành công trong việc tìm ra một phương án nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ, nhằm thay thế cho bản thoả thuận Brexit mà chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May đã đạt được với EU vào cuối tháng 11/2018.
Các diễn biến này tiếp tục đẩy chính trường Anh vào tình huống vô cùng phức tạp và khó lường. Trước đó, ngay trước phiên bỏ phiếu của các nghị sĩ Anh, nữ Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã phát biểu cho biết bà sẽ từ chức Thủ tướng Anh nếu Hạ viện Anh ủng hộ thoả thuận Brexit.
Theo bà May, bà cần phải thực hiện nghĩa vụ lịch sử của mình là đảm bảo Brexit được thực thi theo đúng nguyện vọng của cử tri Anh và việc bà ra đi sẽ là cần thiết, vì lợi ích của nước Anh cũng như vì lợi ích cùa đảng Bảo thủ.
Tuyên bố trên của bà Theresa May không gây ra bất ngờ lớn bởi trước đó giới quan sát đã nhận định, bà May có thể sẽ đánh đổi ghế Thủ tướng Anh để nhận lại sự ủng hộ đối với bản thoả thuận Brexit, đặc biệt từ phía các nghị sĩ chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ.
Ngay sau tuyên bố của bà May, nhân vật chống đối mạnh nhất trong nội bộ đảng Bảo thủ là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson đã phát tin với báo giới cho biết ông này sẽ ủng hộ bản thoả thuận Brexit.
Một loạt các nghị sĩ chống đối khác của đảng Bảo thủ cũng cho biết sẽ thay đổi quan điểm và theo tờ “Người bảo vệ” (The Guardian), tính đến nửa đêm ngày 27/3, đã có ít nhất 25 nghị sĩ đảng Bảo thủ chuyển sang ủng hộ thoả thuận Brexit của bà May.
Tuy nhiên, quyết định của bà May vẫn không thể làm đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ailen (DUP) đổi ý định. Trong tối 27/3, đảng DUP đã phát thông cáo cho biết đảng này vẫn chống lại thoả thuận Brexit vì thoả thuận này đe doạ sự toàn vẹn của Vương quốc Anh./.
Theo VOV